Quan; bên phải có đất Lũng, đất Thục, đồng ruộng phì nhiêu ngàn dặm;
phía nam có của cải của đất Ba, đất Thục; phía bắc có cái lợi đồng cỏ đất
Hồ, cả ba mặt đều có thiên nhiên hiểm trở phòng giữ, chỉ dùng một mặt
đông để khống chế chư hầu. Khi chư hầu yên ổn, thì sông Hoàng Hà, Vị
Thuỷ có thể dùng để chuyên chở của cải của thiên hạ đem về cấp cho Kinh
Đô. Nếu chư hầu có biến, thì cứ thuận dòng sông đi xuống, có thể tiện việc
chuyên chở. Đó mới là thành vàng ngàn dặm, một kho báu trời cho vậy. Lời
của Lưu Kính là phải đấy.
Cao Đế liền chuẩn bị xe ngựa ngay hôm ấy sang hướng tây đóng đô ở Quan
Trung. Lưu Hầu theo vua vào Quan Trung, Lưu Hầu vốn hay ốm, thường
học phép “đạo dẫn” (phép tu luyện của người theo đạo Lão, mục đích tập
thở và luyện gân cốt để sống lâu), không ăn cơm, đóng cửa không ra ngoài
hơn một năm (Đoạn 2 – Trương Lương bày mưu cho Lưu Bang lấy thiên
hạ).
3. Vua muốn bỏ thái tử, lập con của Thích Phu Nhân là Triệu Vương Như
Ý lên làm thái tử, các quan đại thần phần nhiều đều can ngăn, nhưng không
thấy vua quyết định hẳn. Lữ Hậu sợ, không biết làm thế nào. Có người nói
với Lữ Hậu :
- Lưu Hầu khéo bày mưu tính kế, vua tin dùng ông ta !
Lữ Hậu bèn sai Kiến Thành Hầu là Lữ Trạch ép Lưu Hầu :
- Ngài thường làm mưu thần cho hoàng thượng, nay hoàng thượng muốn
đổi thái tử, ngài nằm khểnh điềm nhiên thế sao được.
Lưu Hầu nói :
- Xưa kia hoàng thượng thường ở trong cảnh nguy khốn cấp bách, nhờ đó
mà có dùng mưu kế của tôi. Nay thiên hạ đã yên ổn rồi, hoàng thượng vì cớ
yêu thương, muốn thay đổi thái tử, đó là việc ở trong gia đình, cốt nhục, tuy
có hơn trăm người như tôi cũng không ăn thua.
Lữ Trạch cố nài :
- Việc này khó lòng lấy miệng lưỡi mà can ngăn. Thế nhưng trong thiên hạ
có bốn người, hoàng thượng không sao mời nổi. Bốn người này đã già, họ
đều cho rằng nhà vua khinh người, nên bỏ trốn vào ở ẩn trong núi, giữ
nghĩa không làm tôi nhà Hán, nhưng hoàng thượng rất tôn trọng bốn người