SỬ KÝ TƯ MÃ THIÊN - Trang 24

Tư Mã Thiên

Sử Ký Tư Mã Thiên

Dịch giả : Nhữ Thành

Đánh máy : Mickey, TSAH, CHIEU PHU, THANH LOAN

THÁI SỬ CÔNG TỰ ĐỀ TỰA

T

hái Sử Công nói :

- Cha tôi (Cha Tư Mã Thiên, là Tư Mã Đàm, làm chức Thái Sử) có nói :
“Sau khi Chu Công mất được năm trăm năm thì có Khổng Tử. Khổng Tử
mất đến nay đã được năm trăm năm. Nếu có kẻ nối nghiệp, soi sáng cho
đời, chỉnh lý được Dịch truyện tiếp tục Kinh Xuân Thu, nắm được cái gốc
của Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Nhạc, thì là ở lúc này đây ! Ở lúc
này đây.”
Kẻ hèn mọn này dám đâu từ chối việc ấy.
Quan thượng đại phu là Khổn Toại nói :
- Tại sao ngày xưa Khổng Tử lại làm Kinh Xuân Thu ?
Thái Sử Công nói :
- Tôi nghe Đổng Sinh (Tức Đổng Trọng Thư, một nhà nho có tiếng sống
cùng thời với Tư Mã Thiên) nói : “Đạo nhà Chu bị suy bỏ, Khổng Tử làm
tư khấu ở nước Lỗ, bị các nước chư hầu hại, các quan đại phu ngăn cản.
Khổng Tử biết lời nói của mình không được dùng, đạo của mình không
được thi hành, bèn phê phán những việc xảy ra trong hai trăm bốn mươi hai
năm, để làm khuôn phép cho thiên hạ. Người chê thiên tử, ức chế chư hầu,
phạt tội các đại phu, để nêu rõ vương đạo nên như thế nào”. Khổng Tử nói,
“Ta muốn lấy lời nói suông để chép về đạo không bằng chứng minh ở việc
làm thì càng sâu sắc, rõ ràng hơn”. Kinh Xuân Thu trên làm sáng tỏ đạo
của Tam Vương (ba đời vua: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Chu) dưới phân biệt
quy tắc của con người, biệt bạch chuyện hiềm nghi, soi sáng điều phải trái,
quyết định điều còn do dự, khen điều hay, chê điều dở, tôn người hiền, chê
kẻ bất tiếu, bảo tồn lấy cái nước đã mất, nối lại cái đời đã đứt, vá lại cái đã
rách, dựng lại cái đã bị bỏ, đó là một điều lớn của đạo vương vậy!
Kinh Dịch chép trời đất, âm dương, bốn mùa, ngũ hành, cho nên giỏi về
chỗ biến hoá. Kinh Lễ chép về luân lý con người cho nên giỏi về đức hạnh.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.