việc xảy ra, pháp luật là để trừng trị sau khi việc đã xảy ra. Công dụng của
pháp luật dễ thấy, còn công dụng của lễ để ngăn cấm thì khó biết.
Khổn Toại nói :
- Đời Khổng Tử, trên không có vua sáng, dưới không được tin dùng, cho
nên người mới làm Kinh Xuân Thu để lại cái lời suông đặng nối tiếp lễ,
nghĩa, làm phép tắc của một vị vua. Nay ông ở trên thì gặp đức vua sáng
suốt, ở dưới thì được giữ chức quan, muôn việc đều được sắp đặt đúng chỗ,
vậy điều ông bàn đó là muốn soi sáng cái gì ?
Thái Sử Công nói :
- Dạ, dạ! Không, không! Đâu phải thế! Tôi nghe cha tôi nói, “Phục Hy hết
sức thuần hậu, làm ra tám quẻ kinh dịch : Thượng Thư chép nền thịnh trị
đời Nghiêu, Thuấn, do đó mà làm ra lễ nhạc; công của Thành Thang, Vũ
Vương được thi nhân ca tụng. Kinh Xuân Thu khen điều thiện, chê điều ác,
suy diễn cái đức thời Tam Đại, khen nhà Chu, chứ nào có chê bai mà thôi
đâu ? Từ khi nhà Hán nổi lên, đến đức vua chúng ta nay, được điềm lành, lễ
phong thiện (Lễ tế trời ở trên núi Thái Sơn), thay niên hiệu (Vũ Đế bắt đầu
đặt niên hiệu là Kiến Nguyên – 110 trước công nguyên) đổi áo mũ, chịu
mệnh của cao xanh, ơn đức thấm đến chỗ vô cùng. Những người xa lạ ở
ngoài bể hai ba lần dịch tiếng đều đến chầu, xin nộp cống, kể không hết.
Trăm quan ở dưới ra sức tán tụng thánh đức cũng còn chưa nói hết ý.
Hơn nữa, có kẻ sĩ hiền và có tài mà không dùng là điều sĩ nhục của nước;
chúa thượng có đức sáng mà đức không được truyền rộng ra, thì đó là lỗi
của kẻ bề tôi.
Vả chăng tôi làm chức ấy mà bỏ thánh đức không chép, huỷ bỏ công
nghiệp của các công thần, các đại phu hiền đức không thuật lại, bỏ lời cha
dạy, thì tội còn gì nặng hơn? Tôi chỉ thuật lại chuyện xưa, sắp đặt lại các
truyện trong đời, chứ có phải là tự làm ra đâu, ông đem sánh với Xuân Thu
thì lầm to.
Thế rồi biên chép sắp đặt văn Sử Ký được bảy năm thì Thái Sử Công gặp
cái hoạ Lý Lăng, bị cùm trói trong tù.
Bèn bùi ngùi mà rằng :
- Đó là tội của ta! Đó là tội của ta ! Thân tàn không dùng được nữa rồi !