Nhà sư Nghĩa Tịnh viết trong quyển ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỰC
CẦU PHÁP CAO TĂNG TRUYỆN (TA T’ANG SI YU T’IEOU FA
KAO SENG TCHOUAN) rằng :
« Các vị sư muốn đến nước Ấn Độ phải đi qua một ngàn con sông
và vương quốc BẠC-NAM là hải cảng của con sông này. (NAM QUỐC
HỮU THIÊN GIANG KHẨU DÃ). Sư ghi lại cuộc hành trình của ba vị
tăng NGHĨA LÃNG (YI-LANG), NGHĨA HUYỀN (YI-HIUAN) và TRÍ
NGẠN (TCHE-NGAN) đến nước Ấn như vầy : Khi đến WOU-LAI, lối
hướng Tây PAKHOI chư tăng xuống một chiếc thuyền buôn vượt ngàn
muôn cơn sóng đi qua vương quốc Phù Nam và bỏ neo ở xứ LANG-KIA
(Lang Già) ».
*
TÂN ĐƯỜNG THƯ (SIN T’ANG CHOU) quyển Sử ký mới của
nhà Đường (618-906) do hai ông ÂU-DƯƠNG-TU (NGEOU-YANG-
SIEOU) và TỐNG KỲ (SONG-KI) soạn hồi thế kỷ thứ II có ghi một
đoạn nói về Phù Nam :
« Vương quốc Phù Nam ở về phía Nam xứ Nhật Nam (JENAN), đất
đai thấp như nước HOÀN VƯƠNG (HOUAN WANG) tức Lâm Ấp (người
Trung Hoa gọi Lâm Ấp là Hoàn Vương từ năm 757, nhưng sau đời Tàn
Đường (906) thì bỏ danh từ này). Tại thủ đô có vách tường bao bọc
thành phố, lâu đài, cung điện và nhà cửa dân chúng. Nhà vua mang tên
tộc là CỔ-LONG (KOU-LONG). Ngài ở trong một vọng lầu cao hai
từng. Vòng thành cất bằng lũy gỗ. Người ta lợp nhà bằng lá tre. Khi Nhà
vua ra ngoài, Ngài cỡi voi. Nước da dân chúng đen, tóc quăn, không
mặc quần áo. Họ trồng lúa một năm và gặt ba lần. Trong nước có loại
kim cương bề ngoài giống như đá thạch anh, người ta tìm thấy rất nhiều
dưới lòng sông và trên núi đá. Dân chúng lặn xuống nước mò kiếm dễ
dàng. Kim cương có chất cứng có thể gạch bể cẩm thạch nhưng nếu
đụng nhằm cái sừng con trừu thì bể tan ra. Người Phù Nam thích đá gà
và cho heo cắn lộn. Họ đóng thuế bằng vàng, trân châu và dầu thơm.