III. HẢI CẢNG ÓC EO
Vào tháng 2 năm 1944, Ông Louis Malleret, nhà khảo cổ Pháp đến
vùng Óc Eo thuộc xã Mỹ Lâm, tổng Kiên Hảo, tỉnh Rạch Giá, năm 1957
đổi là quận Kiên Thành, tỉnh Kiên Giang, khai quật di tích một thành phố
bị sụp đổ trong lòng đất. Đó là hải cảng Óc Eo của Phù Nam, nơi tiếp
đón các thương thuyền ngoại quốc, tên xưa là UR KÊV, có nghĩa là lay
chuyển, xô đẩy, làm chấn động. Cổ nhân gọi như thế có lẽ để ghi dấu
một thị trấn bị chôn vùi vì địa chấn hoặc vì hồng thủy đã mang đất phù
sa đổ xuống quá nhiều và một cách bất ngờ. Giả thuyết này có phần đúng
hơn là một nhà khảo cổ Pháp cho rằng chữ UR KÊV gần giống như chữ
Ô-KEO của người Miên có nghĩa là « con rạch quí giá », « rạch kim
cương », vì các nhà địa chất học ngày nay tính rằng hằng năm sông
Mékong mang ra biển từ 500 đến 1.200 triệu thước khối phù-sa bồi ngay
mũi Cà-Mau trở lên phía Bắc đến Vàm sông Cái Lớn (Rạch Giá), bãi
biển lan ra tuy chậm nhưng ngó thấy rõ ràng. Do đấy, người ta ước đoán
rằng thuở ấy bờ biển còn nằm trong xa, ngay chỗ tìm thấy di tích Óc Eo,
rồi do một trận thiên tai, phù sa đổ sập xuống chôn vùi vào lòng đất. Và
từ đấy mỗi năm bồi thêm một ít cho đến bây giờ bờ biển cách hải cảng
lối 25 ngàn thước ! Ngoài vùng Óc Eo, người ta còn tìm thấy nhiều chiếc
ghe lớn có cột buồm nằm sâu ở phía Tây U-Minh thượng (An-Xuyên),
những dẫy sò ốc, vỏ ốc nằm lộ thiên hàng ngàn thước ở Giồng Đá, xã
Bàn-tân-định (Rạch Giá) và ở giữa khoảng núi Sập, núi Ba Thê. Hai
vùng sò ốc này đến nay chưa được nghiên cứu hoặc khai quật kỹ lưỡng
vì nạn chiến tranh, nhất là vùng thứ nhì gọi tắt là « sò » ở gần Óc Eo.
Ông Malleret nói rằng ông được biết sự hiện diện của hải cảng này
trong lịch sử từ đầu năm 1942 do một món nữ trang bằng vàng của một
nông phu bắt gặp khi vỡ ruộng trong một vùng không có tên ở tỉnh Rạch
Giá. Có người mô tả hình dáng vật ấy giống như sợi dây nịt kết bằng
nhiều mảnh vàng móc nối với nhau, có người cho rằng giống như cái
mão chạm hình bông hoa, có người lại nói là chiếc vòng đeo ở cổ. Ông