móng và bành trướng khắp lãnh thổ. Sự kiện này đã được Vua Lương
Võ-Đế là vị Hoàng đế tôn sùng đạo Phật rất chú ý.
Sử ký nhà Lương có thuật một phái đoàn Sứ giả Trung Hoa đến Phù
Nam giữa những năm 535 và 545 yêu cầu Vua Rudravarman gom góp tất
cả kinh sách Phật và thỉnh mời các vị Sư sãi sang viếng nước Tàu. Nhà
vua cử vị Thiền sư Ấn Độ tên PARAMÂTHA (hoặc GUNARATNA) quê
ở vùng UJJAIYINI, lúc ấy đang hành đạo ở Phù Nam, mang 240 bộ kinh
qua Nam Kinh. Thiền sư đến nơi vào năm 546.
Khi nhà Vua thăng hà, có lẽ vào năm 550, một phong trào quật khởi
do hai anh em BHAVAVARMAN và CITRASENA lãnh đạo đã nổi dậy
vào khoảng từ năm 540 đến 550 ở lưu vực sông Mékong, rồi trong một
tình trạng bí mật họ lật đổ vương quyền Phù Nam. Phái đoán Sứ giả do
Vua Rudravarman phái sang Trung Hoa trên đây là Sứ cuối cùng trong
thời Phù Nam còn là Vương quốc độc lập.
Sử ký nhà Tùy (580-618) không có ghi đoạn riêng biệt về nước Phù
Nam, nhưng có hai vương quốc mới đóng một vai trò trong lịch sử nước
nầy. Đó là nước XÍCH THỔ (TCHE T’OU) và nước CHÂN LẠP
(TCHEN LA). Nước Xích Thổ liên lạc với Trung Hoa do Sứ giả
THƯỜNG TUẤN (TCH’ANG TSIUN) đến viếng vào năm 607. Hình
như lãnh thổ nầy chiếm vùng lưu vực sông Ménam. Nước Chân Lạp là
Cao Miên cử phái đoàn Sứ giả đầu tiên đến Trung Hoa vào năm 616 hay
617.
Đoạn nói về Xích Thổ mở đầu bằng câu : « Nước Xích Thổ là một
nhánh họ khác của Phù Nam ».
Đoạn nói về Chân Lạp ghi : « Nước Chân Lạp ở về hướng Tây Nam
Lâm Ấp, nguyên là một Chư hầu của Phù Nam. Họ của Nhà vua là
KSATRIYA, tên Người là CITRASENA, tổ tiên Người đã liên tục tạo dựng
lực lượng trong xứ. Vua CITRASENA chiếm Phù Nam và tiêu diệt. Khi
Vua băng, Thái tử tên ICANASENA nối ngôi, đóng đô ở IÇANA ».