sắc luôn đảm nhiệm việc thu thuế, giải quyết tranh chấp và thực hiện chức
năng hành chính cơ sở. Những người nông dân nghèo nói chung không
thích họ nhưng ít nhất cũng biết rõ họ và những người quản lý cộng đồng
này biết mình có thể đi đến đâu. Năm 1956 cố ngăn cản những người có
cảm tình với Việt Minh và những kẻ chống đối khác, bí mật kiểm soát các
hội đồng thôn ấp, Diệm ra sắc lệnh các thành viên hội đồng sẽ do các tỉnh
trưởng, quận trưởng chỉ định. Như vậy những người xa lạ thuộc phe pháo
của gia đình bắt đầu thâm nhập đến thôn ấp, đặt ra cho nông dân miền Nam
những yêu sách bạc đãi chưa từng có. Lansdale ngây thơ biết bao khi cho
rằng ông xây dựng các ê-kíp giáo dân miền Bắc hoạt động với tính chất
công dân để tuyên truyền chống Việt Minh trong nông dân miền Nam. Ông
hoàn toàn thất vọng vì không thành. Nhưng ông còn bối rối hơn khi phát
hiện thất, đúng lúc trước khi trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1956, Diệm càng
ngày càng củng cố được địa vị thì càng hành động trái ngược với những lời
khuyên của ông về các vấn đề xã hội và chính trị.
Tiếp đó Diệm tấn công vào ruộng đất. Trong các vùng Việt Minh chiếm
đóng phía nam vĩ tuyến 17 trước Hiệp định Geneve, suốt 350 cây số miền
Trung và những vùng đất đồng bằng sông Cửu Long họ trưng thu những
đồn điền lúa gạo của Pháp và ruộng đất của những “kẻ phản động Việt
Nam” cấu kết với chế độ thuộc địa. Ruộng đất ấy đã chia lại cho dân cày
không có ruộng. Nông dân cũng tự mình làm cuộc cải cách ruộng đất trong
đại bộ phận phần còn lại trong nước, kể cả những vùng dưới sự thống trị
của các phe phái. Phần lớn các chủ điền bỏ đồng ruộng chạy trốn vào các
thành phố. Nông dân phân phối lại ruộng đất hoặc không trả tiền thuê đất
nữa. Trong một nước 85% dân số sống ở nông thôn và lợi tức dựa vào
ruộng đất, khó tìm được một vấn đề nhạy cảm về mặt xã hội kinh tế và
chính trị lớn hơn đất đai.
Lansdale và những người Mỹ khác có trách nhiệm làm áp lực với Diệm,
để ông ta đưa ra chương trình cải cách ruộng đất của mình nhằm cắt cỏ
dưới chân những người cộng sản, chấm dứt những bất công về điền địa ở
miền Nam. Ý muốn ấy của người Mỹ lúc đầu có vẻ là một bài toán khó
hiểu đối với Diệm, vốn chống đối mọi sửa đổi cơ cấu xã hội truyền thống.