đức của lịch sử và một hệ thống an ninh quốc tế, chứ không phải là
những gì đang hiện hữu, chỉ đơn giản là một vũ đài kinh tế và văn
hóa của tiến trình phát triển. Hãy xem: một ý thức hệ chuyên chế
vừa bị sụp đổ, trong khi nền an ninh nội địa của Hoa Kỳ và Tây Âu
được xem là điều dĩ nhiên. Một không khí hòa bình dường như đang
ngự trị khắp nơi. Nắm bắt được theo cách tiên tri bối cảnh chính trị
của thời đại, một cựu phó giám đốc ban Hoạch định Chính sách của
Bộ Ngoại giao Mỹ, Francis Fukuyama, vài tháng trước khi Bức
tường Berlin sụp đổ đã đăng bài báo “Sự cáo chung của lịch sử”,
trong đó tuyên bố rằng mọi kiểu chiến tranh và những cuộc nổi dậy
sẽ tiếp tục, lịch sử theo một nghĩa trong cách hiểu của Hegel giờ đây
đã cáo chung, kể từ khi sự thành công của các nền dân chủ tự do tư
bản chủ nghĩa đã kết thúc cuộc tranh cãi, theo đó hệ thống quản lý
của nó là tốt nhất cho nhân loại. Như vậy, có lẽ chúng ta chỉ còn
phải định hình thế giới gần hơn với hình ảnh của chúng ta, đôi khi
phải triển khai quân đội Mỹ, chủ yếu theo sứ mệnh duy trì trật tự;
những cuộc triển khai mà trong năm 1990 có lẽ đã thực sự là tương
đối ít phải trả giá. Đó là một thời kỳ của những ảo tưởng, là chu kỳ
trí tuệ đầu tiên của thời Hậu Chiến tranh Lạnh. Đó là một thời kỳ mà
những từ ngữ “người theo chủ nghĩa hiện thực” và “người theo chủ
nghĩa thực dụng” bị coi như có ý miệt thị, ám chỉ một ác cảm đối với
sự can thiệp nhân đạo ở những nơi mà lợi ích dân tộc, cả theo định
nghĩa thông thường cũng như theo nghĩa hẹp, dường như là khó
hiểu. Trong những ngày đó, tốt hơn cả là làm một người theo chủ
nghĩa quốc tế Bảo thủ Mới hay Tự do, những người vẫn từng được
cho là tốt, thông minh, những người chỉ đơn giản là muốn dừng
cuộc diệt chủng ở khu vực Balkan.