trợn (trường hợp Rwanda), sự diệt chủng đẫm máu. Châu Phi sẽ đi
qua một chặng đường dài hướng tới sự minh định trong thập kỷ kéo
dài từ ngày 9 tháng 11 năm 1989 đến ngày 11 tháng 9 năm 2001,
tức là thời kỳ giữa sự sụp đổ Bức tường Berlin và các cuộc tấn công
của al-Qaeda vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc:
thời đoạn dài 12 năm ấy đã chứng kiến sự giết chóc hàng loạt và
những cuộc can thiệp nhân đạo muộn màng làm thất vọng những
nhà trí thức không thực tế, mặc dù sự thành công cuối cùng của
những cuộc can thiệp ấy đã nâng thái độ hân hoan chiến thắng có
tính lý tưởng hóa tới những tầm cao, nhưng rồi sẽ phải hóa thành
thảm họa trong thập kỷ tiếp theo sau sự kiện ngày 11 tháng 9.
Trong thập kỷ mới sau ngày 11 tháng 9, khung cảnh địa lý, chắc
chắn từng là một nhân tố có ý nghĩa ở Balkan và châu Phi trong
những năm 1990, sẽ tiếp tục tạo ra những thiệt hại không thể giảm
nhẹ đối với những ý định tốt của Mỹ ở vùng Cận Đông. Cuộc du
khảo từ Bosnia đến Baghdad, từ một không gian hạn chế và chiến
dịch trên bộ ở phía Tây - không gian phát triển nhất của đế quốc
Ottoman xưa ở Balkan, đến một cuộc xâm nhập ồ ạt bằng bộ binh ở
phía Đông - một không gian kém phát triển nhất ở Lưỡng Hà của
cùng đế chế ấy, sẽ có thể phơi bày những giới hạn của thuyết phổ
quát tự do, và cũng nằm trong quá trình thừa nhận một sự tôn trọng
mới đối với địa hình.
Thời Hậu Chiến tranh Lạnh thực sự bắt đầu vào những năm
1980, trước khi xảy ra sự sụp đổ Bức tường Berlin, với sự hồi sinh
thuật ngữ Trung Âu, sau này được nhà báo và học giả Oxford
Timothy Garton Ash định nghĩa như “một sự khác biệt chính trị-văn
hóa đối lại với ‘Phương Đông’ Soviet, hay là Đông Âu, thể hiện sự
phân hóa lưỡng cực của châu Âu.” Trung Âu, hay là Mitteleuropa,