CHƯƠNG XIII
SỰ XOAY TRỤC CỦA IRAN
N
hư học giả William McNeill thuộc Đại học Chicago đã nói với
chúng ta, rằng Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp cả ba đều nằm ở vùng
rìa của thế giới văn minh cổ, được bảo vệ bởi núi non, sa mạc và
khoảng cách xa xăm. Dĩ nhiên, sự bảo vệ này chỉ được một phần,
bởi vì như chúng ta biết, Hy Lạp từng bị Ba Tư tàn phá, Trung Quốc
bị Mông Cổ và những cư dân trên đồng cỏ gốc Turk xâm lược, và
Ấn Độ thì bởi sự tham lam của những kẻ xâm nhập Hồi giáo. Tuy
nhiên, địa lý đã tạo ra một chướng ngại đủ để cho ba nền văn minh
lớn và duy nhất bắt rễ. Nằm trong không gian hết sức rộng lớn giữa
ba nền văn minh này, như đã nhận xét trong một chương trước, là
thực thể mà đồng nghiệp Chicago của McNeill là Marshall Hodgson
đã nhắc đến với tên gọi Oikoumene, một thuật ngữ tiếng Hy Lạp ám
chỉ “vùng đất có người ở” của thế giới: đó là thế giới của Herodotus,
tức là dải đất ôn đới của khối lục địa Á-Phi trải rộng từ Bắc Phi đến
các vùng rìa phía tây Trung Quốc, một vành đai lãnh thổ mà
Hodgson còn gọi là Nile-to-Oxus.
Cái nhìn của Hodgson bao quát một cách xuất sắc một số bằng
chứng thực tế vừa cốt yếu, nhưng cũng vừa mâu thuẫn: rằng
Oikoumene - tức là Đại Trung Đông - là một miền đất có thể xác định
dễ dàng, nằm giữa Hy Lạp, Trung Quốc và Ấn Độ, tách biệt rõ ràng