và những nhóm cư dân khác nữa đã luôn luôn bị những lợi ích
riêng thôi thúc vượt qua đường biên giới ấy.
Toynbee còn viết rằng, chính trong tiến trình của những thời kỳ
rối ren, người ta thấy có xu hướng nổi lên những đế quốc, bởi vì khi
đó chúng dường như là giải pháp hợp lý nhất cả cho những người
sáng lập cũng như những thần dân của họ. Ông nhắc đến “Đế chế
bậc trung” Ai Cập, Babylon Mới, Ba Tư Achaemenid, Nhà nước
Quân chủ Seleucid, thời kỳ “Roman hòa bình” và Hanica Hòa bình
trong thế giới Sinic [Tiếng Anh “Sinic World”. Chỉ khu vực chịu ảnh
hưởng sâu sắc của văn hóa Trung Hoa/ văn hóa Hán. (BT)], tất cả
đều là ví dụ về những quốc gia căn bản phổ quát, nhưng trong đó
các dân tộc và những nhóm tín đồ khác nhau cùng tồn tại vì lợi ích
chung. Người ta có thể tưởng tượng rằng, về lâu dài một đế chế
tương tự sẽ là giải pháp cho những vấn đề biên giới của Mexico và
Hoa Kỳ.
Chúng ta không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của những sự
tiến hóa như thế - tức là sự tiến hóa mà trong đó những khái niệm
về quốc tịch và chủ quyền trải qua một sự biến thái trên quy mô của
thời gian địa chất, nhưng lại diễn ra một cách không thể nhận ra
được ở quy mô của sự kiện. Trong những năm 1970, tôi đã thực
hiện chuyến đi cắt ngang qua nước Mỹ nhờ ô tô quá giang, và đã có
được ấn tượng mạnh về sự gắn bó địa lý của đất nước này: không
một châu lục nào khác có được địa thế phù hợp tốt cho việc kiến lập
của một dân tộc như vùng ôn đới Bắc Mỹ. Cho đến cuối thế kỷ XVIII,
vùng Appalachia được coi như biên giới phía tây của nhà nước Hoa
Kỳ mới sinh. Nhưng các thung lũng phù sa như Mohawk hoặc Ohio
đã nhanh chóng giúp cho những người khai khẩn đất mới mở rộng
về phía tây. Họ đã tìm thấy những vùng đồng bằng có nhiều đất