Trong cuộc xung đột này đã từng có những khía cạnh lịch sử và
địa lý phong phú, nhưng các nhà báo tận tụy và các nhà trí thức có
thể đã quan tâm về chúng tương đối ít. Tuy nhiên, họ chắc chắn đã
có một điểm chung, mà có lẽ nhiều hơn cả một điểm. Đầu tiên là sự
ghê tởm tuyệt đối và sự khiếp sợ. Một lần nữa, ta lại nhường lời cho
Timothy Garton Ash:
Chúng ta đã học được gì từ thập kỷ khủng khiếp này ở Nam
Tư cũ? Chúng ta đã học được rằng bản chất con người không
thay đổi. Rằng châu Âu vào cuối thế kỷ XX cũng hoàn toàn có
thể man rợ như trong thời kỳ Đức Quốc xã tàn sát người Do
Thái hồi giữa thế kỷ.
… Thần chú chính trị phương Tây của chúng ta vào cuối thế
kỷ XX đã từng là “hội nhập”, “chủ nghĩa đa văn hóa”, hoặc, nếu
chúng ta lùi xa hơn một chút, “nơi di dân từ nhiều nơi kéo về tụ
lại.” Nam Tư cũ đã là điều ngược lại. Nó đã như một phiên bản
cỗ máy khổng lồ với tên gọi là “bộ máy phân tách”: một cỗ máy
li tâm đang quay hết tốc độ để chia tách các sắc tộc.
Từ sự ghê tởm này đã tiếp nối việc buộc tội sự “xoa dịu” của
phương Tây, sự nhượng bộ của Slobodan Milosevic: một chính trị
gia cộng sản, người mà để cho bản thân và đảng của mình tồn tại
được về mặt chính trị sau sự sụp đổ Bức tường Berlin, để giữ lại
được những biệt thự và nhà nghỉ và vùng săn bắn của mình cùng
những đặc quyền đặc lợi khác do chức vụ mang lại, đã đánh tráo
khái niệm, biến mình thành một người dân tộc chủ nghĩa Serbia
cuồng tín, và châm ngòi cho một cuộc diệt chủng thứ hai. Sự nhân
nhượng Hitler tại München vào năm 1938 đã nhanh chóng trở thành
một hình mẫu tương tự thịnh hành những năm 1990.