thực nghiệm thì trong cả hai trường hợp - thời kỳ lịch sử và vị trí địa lý -
chúng ta đều có thể thấy rằng mọi sự quy chiếu vào vị trí trong không gian
hay thời gian đều có thể được thay thế bằng một phép mô tả chung nào đó
về các điều kiện mang tính quyết định như tình trạng giáo dục, hay như độ
cao so với mặt biển).
Nói một cách khác nữa, lí thuyết về sự khác biệt giữa các thời kì lịch sử
không thể ngăn cản được thực nghiệm xã hội, mà nó đơn thuần chỉ là cách
phát biểu khác của cái định đề cho rằng, nếu phải chuyển sang một thời kì
khác, chúng ta vẫn phải tiếp tục tiến hành những cuộc thực nghiệm phân
mảnh của mình, nhưng phải tính đến cả những hậu quả bất ngờ hay những
hậu quả khiến ta thất vọng. Thực vậy, nếu như chúng ta biết được chút gì đó
về thái độ của mọi người trong các thời kì lịch sử khác nhau, thì cũng là từ
những cuộc thực nghiệm được tiến hành theo trí tưởng tượng của chúng ta.
Các nhà sử học có thể gặp trở ngại trong việc diễn giải một số bằng chứng
nào đó, hoặc họ phát hiện ra những thực kiện cho thấy một vài bậc tiền bối
của họ đã diễn giải chúng không đúng. Những trở ngại như thế trong việc
diễn giải lịch sử là bằng chứng duy nhất của chúng ta về kiểu biến đổi lịch
sử mà nhà sử luận nghĩ đến; nhưng thật ra chúng chỉ là sự khác nhau giữa
những kết quả trông đợi và những kết quả thực tế của các cuộc thực nghiệm
theo trí tưởng tượng của chúng ta. Những ngạc nhiên và thất vọng này là
những cái, bằng phương pháp thử sai, đã dẫn đến sự cải thiện khả năng của
chúng ta trong việc diễn giải các điều kiện xã hội lạ thường, và cái mà
chúng ta đạt được bằng thí nghiệm tưởng tượng trong trường hợp diễn giải
lịch sử là cái các nhà nhân học đạt được trong công việc thực tế trên thực
địa. Lí do mà những nhà nghiên cứu hiện đại đạt được thành công trong
việc điều chỉnh những trông đợi của mình sao cho phù hợp với những điều
kiện xem ra không kém xa lạ so với những điều kiện của Thời Đồ đá chính
là việc họ đã biết dựa vào thực nghiệm phân mảnh.
Một số nhà sử luận không tin vào khả năng của những điều chỉnh thành
công như vậy; và rồi thậm chí họ bảo vệ lí thuyết của mình về tính vô dụng
của các cuộc thử nghiệm xã hội với luận cứ cho rằng, nếu được dịch chuyển
về các thời kì lịch sử xa xôi, ta sẽ thấy có quá nhiều thử nghiệm xã hội của