26. NHỮNG PHÉP KHÁI QUÁT HÓA CÓ BỊ
HẠN CHẾ BỞI THỜI KỲ HAY KHÔNG?
Việc tôi bàn đến vấn đề thử nghiệm xã hội trước khi bàn chi tiết đến vấn đề
định luật, hay lí thuyết, hay giả thuyết, hay “khái quát hóa” xã hội học,
không có nghĩa là tôi nghĩ rằng quan sát và thử nghiệm nói theo cách nào
đó đáng ưu tiên về mặt logic hơn lí thuyết. Ngược lại, tôi tin rằng lí thuyết
luôn đi trước quan sát và thử nghiệm, hiểu theo nghĩa những cái sau là quan
trọng chỉ khi xét chúng trong mối quan hệ với các vấn đề lí thuyết. Hơn
nữa, chúng ta luôn phải có câu hỏi trước đã rồi mới có quyền hi vọng quan
sát hay thí nghiệm sẽ giúp chúng ta đưa ra câu trả lời bằng cách nào đó.
Hoặc nếu diễn đạt theo phương pháp thử sai, thì thử phải đi trước sai; và
như ta đã thấy (ở mục 24), lí thuyết hay giả thuyết luôn mang tính thăm dò
và chỉ là một bộ phận của phép thử, trong khi quan sát và thử nghiệm hay
thí nghiệm giúp chúng ta loại bỏ các lý thuyết bằng cách chứng tỏ rằng
chúng sai. Vì vậy, tôi không tin vào “phương pháp khái quát hóa”, tức là
không tin vào quan điểm cho rằng khoa học bắt đầu bằng những quan sát từ
đó suy ra các lí thuyết thông qua một số quy trình khái quát hóa hay quy
trình quy nạp nào đó.
Trên thực tế thì tôi tin rằng quan sát và thử nghiệm có một chức năng khiêm
tốn hơn, đó là giúp chúng ta kiểm tra các lí thuyết của mình và loại bỏ các lí
thuyết không vượt qua được quá trình kiểm đúng; mặc dù cũng phải thừa
nhận rằng quá trình gạn lọc này không chỉ nhằm gạt bỏ những suy đoán
mang tính lí thuyết, mà nó còn khuyến khích ta phải thử đi thử lại thêm nữa
- và thường vẫn sai và bị bác bỏ bởi những quan sát và thử nghiệm mới.
Tôi sẽ dành mục này để phê phán thuyết sử luận (xem mục 1), một chủ
thuyết cho rằng, ở các bộ môn khoa học xã hội, tính có giá trị hiệu lực của
mọi phép khái quát hóa, hay chí ít của những phép khái quát hóa quan trọng
nhất, bị giới hạn vào giai đoạn lịch sử cụ thể trong đó những quan sát có
liên quan được tiến hành. Tôi sẽ phê phán luận điểm này mà trước đó không