khác, cũng chính cách nhìn ấy lại khiến nảy sinh niềm tin duy tự nhiên luận
- và duy khoa học - vào cái gọi là “những định luật tự nhiên về sự nối tiếp
nhau”, một thứ niềm tin mà vào thời của Comte và Mill dường như đã được
khẳng định thông qua những dự báo thiên văn dài hạn, và gần đây hơn là
thông qua thuyết Darwin.
Có thể nói được rằng cái mốt thịnh hành gần đây nhất của thuyết sử luận
chẳng qua chỉ là một phần mốt thịnh hành của thuyết tiến hóa - một thứ triết
lí có được uy thế phần lớn nhờ vào sự va đập phải nói là ngoạn mục giữa
một giả thuyết khoa học xuất sắc về lịch sử các chủng loài động vật và thực
vật khác nhau trên trái đất, và một lí thuyết siêu hình học xưa cũ mà nhân
đây cũng phải nói rằng nó là một yếu tố của một niềm tin tôn giáo đã được
xác lập. (Tôi nhất trí với Giáo sư Raven trong cuốn Science, Religion and
the Future (1943) của ông khi ông gọi sự đụng độ này là “bão táp trong
tách trà Tàu”; mặc dù sức mạnh của vài nhận định e có phần giảm sút do
ông quá xem trọng đám hơi đang còn bốc lên từ miệng tách - tức là xem
trọng những hệ thống triết học tiến hóa luận lớn do Bergson, Whitehead,
Smuts và những người khác đề xuất)
Cái ta gọi là giả thuyết tiến hóa là sự kiến giải một loạt những quan sát sinh
học và cổ sinh học - chẳng hạn như một số nét tương đồng nhất định giữa
các chủng và các loài - thông qua việc mặc định về tổ tiên chung của những
dạng sự sống được coi là có họ hàng với nhau. (Do e ngại khuynh hướng
của các nhà tiến hóa luận luôn nghi ngờ bất cứ ai không cùng chia sẻ thái
độ chân thành của họ đối với việc xem quá trình tiến hóa như “sự thách
thức dũng cảm mang tính cách mạng đối với lối tư duy truyền thống” đều là
những kẻ ngu dốt, nên tôi xin được tuyên bố ngay rằng bản thân tôi cũng
coi thuyết Darwin hiện đại là cách cắt nghĩa thích đáng nhất đối với những
thực kiện có liên quan. Lời tuyên bố của C. H. Waddington (Science and
Ethics, 1942, tr.17) là một ví dụ rõ ràng về thái độ chân thành của các nhà
tiến hóa luận. Ông nói “ta phải chấp nhận sự định hướng của tiến hóa là
đúng đắn, đơn giản chỉ bởi nó là đúng đắn”. Lời tuyên bố này còn minh
họa cho sự thích hợp về lời nhận xét của Giáo sư Bernal sau đây đối với
cuộc tranh luận xung quanh thuyết Darwin: “Không hề có chuyện... khoa