luận và một số luận điểm phản tự nhiên luận có liên quan đến một cách tiếp
cận rất đặc biệt mà trong đó ta thấy có sự kết hợp của cả hai luận điểm trên.
Tôi gọi cách tiếp cận đặc biệt đó là thuyết sử luận, và việc đầu tiên tôi muốn
làm là cắt nghĩa nó, rồi sau đó mới phê phán nó. Cách tiếp cận này rất hay
được đề cập trong các cuộc thảo luận về phương pháp của các bộ môn khoa
học xã hội, mặc dù nó cũng rất hay được vận dụng một cách thiếu phê phán,
hoặc thậm chí được xem như một cách tiếp cận dĩ nhiên.
Thế nào là “sử luận”? Điều đó sẽ được cắt nghĩa đầy đủ trong toàn bộ công
trình khảo cứu này. Ở đây tôi chỉ tạm vắn tắt như sau: “sử luận” theo tôi là
một cách tiếp cận đối với các bộ môn khoa học xã hội mà với cách tiếp cận
đó người ta khẳng định rằng nhiệm vụ chủ yếu của các bộ môn khoa học xã
hội là tiên đoán lịch sử, và người ta còn khẳng định rằng mục đích này hẳn
sẽ được đạt tới thông qua việc phát hiện ra những “nhịp độ” hoặc những
“khuôn mẫu”, những “quy luật” hoặc những “xu hướng” được coi là nền
tảng của quá trình tiến hóa lịch sử. Do tôi hoàn toàn tin rằng những luận
điểm sử luận về phương pháp như vậy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến
tình trạng không thỏa đáng của các bộ môn khoa học lý thuyết về xã hội
(ngoại trừ kinh tế học), cho nên cách diễn giải của tôi về các luận điểm ấy
hẳn sẽ không tránh khỏi những thiên kiến. Thế nhưng tôi đã cố hết sức tìm
ra những lý do để bênh vực cho thuyết sử luận để làm hậu thuẫn cho những
lý do nhằm bênh vực cho thuyết sử luận để làm hậu thuẫn cho những phê
phán của tôi sau này. Tôi đã cố thử trình bày thuyết sử luận như một thứ
triết lí đã được cân nhắc kỹ lưỡng và bao gồm những luận cứ chặt chẽ. Và
rồi tôi đã không ngần ngại đưa ra những luận cứ nhằm bênh vực cho chủ
thuyết ấy, mà theo tôi biết thì bản thân các nhà sử luận cũng chưa từng có
được những luận cứ như vậy. Bằng cách ấy, tôi hy vọng mình đã tiếp tục tạo
được cho thuyết sử luận một thế đứng đáng bỏ công sức để công kích. Nói
cách khác, tôi đã cố hoàn thiện một lý thuyết thường xuyên được áp dụng,
nhưng có lẽ chưa bao giờ được triển khai đầy đủ. Đó là lý do vì sao tôi đã
rất thận trọng trong việc chọn dùng một cái nhãn có phần không thuận tai
lắm là thuyết sử luận. Với việc đưa ra khái niệm này, tôi chỉ hy vọng tránh
được những ý kiến chỉ trích vụn vặt về mặt câu chữ mà thôi, bởi lẽ tôi hy