33. KẾT LUẬN. LỜI KÊU GỌI TÂM HUYẾT CỦA
THUYẾT SỬ LUẬN
Thuyết sử luận là một trào lưu đã có từ rất xa xưa. Những hình thức cổ xưa
nhất của nó, thể như những loại thuyết luân hồi áp dụng cho các thành bang
và các chủng tộc, thực ra còn có trước cả quan điểm thần học nguyên thủy
vốn cho rằng còn có những cứu cánh nằm ẩn giấu đằng sau những phán
quyết tưởng như mù quáng của định mệnh. Mặc dù sự thần thánh hóa của
những cứu cánh ngầm ẩn này đã bị gạt phăng khỏi lối tư duy khoa học,
nhưng chắc chắn nó vẫn còn lưu lại những tàn tích lẩn quất trong những lí
thuyết sử luận hiện đại nhất. Bất cứ phiên bản nào của thuyết sử luận cũng
đều thể hiện cảm thức bị tương lai cuốn đi bởi những động lực không ai
cưỡng nổi. (Ý kiến phê phán nội tại hay nhất đối với luận thuyết thần học
mà tôi được biết (và lại là ý kiến chấp nhận quan điểm tôn giáo và nhất là
chấp nhận thuyết sáng thế) nằm ở chương cuối trong tác phẩm Các triết lí
chính trị của Plato và Hegel (The Political Philosophies of Plato and
Hegel) của M. B. Foster)
Tuy nhiên, có vẻ như các nhà sử luận hiện đại không hề ý thức được về
nguồn gốc xa xưa của luận thuyết mà họ đưa ra. Họ tin tưởng - và còn gì
khác mà sự tôn sùng chủ nghĩa hiện đại của họ cho phép cơ chứ? - rằng
nhãn hiệu thuyết sử luận của bản thân họ là thành quả mới mẻ và táo bạo
nhất của tâm trí con người, một thành quả mới lạ tới mức chỉ một số người
có đầu óc đủ tân tiến mới hiểu nổi. Thật vậy, họ tin rằng chính họ đã khám
phá ra bài toán về sự biến đổi - một trong những bài toán cổ xưa nhất của
siêu hình học tư biện. Bằng việc đối lập cách tư duy “năng động” của mình
với cách tư duy “tĩnh tại” của tất cả các thế hệ đi trước, họ tin rằng mình có
được một cách tư duy tân tiến là nhờ ở việc chúng ta hiện “sống trong
khuôn khổ một cuộc cách mạng” vốn đang gia tăng tối đa tốc độ phát triển,
đến mức giờ đây ta có khả năng trải nghiệm được sự biến đổi của xã hội chỉ
trong vòng một đời người. Câu chuyện đó hiển nhiên chỉ là huyền thoại
thuần túy. Những cuộc cách mạng quan trọng đã xảy ra từ trước thời đại của