1. KHÁI QUÁT HÓA
Theo thuyết sử luận, khả năng khái quát hóa và sự thành công của phép
khái quát hóa trong lĩnh vực các khoa học vật lý là dựa vào tính chất chung
bất biến của giới tự nhiên: dựa vào việc quan sát thấy rằng - có lẽ nên gọi là
“dựa trên giả định rằng” thì hay hơn - trong những hoàn cảnh tương tự thì
hẳn những điều tương tự sẽ phải xảy ra. Nguyên lý này được cho là đúng
trong toàn bộ không gian cũng như thời gian, và được coi là nền tảng
phương pháp luận của vật lý học.
Thuyết sử luận nhấn mạnh rằng nguyên lý đó rõ ràng là không áp dụng
được đối với xã hội học. Những hoàn cảnh giống nhau chỉ có thể xuất hiện
trong cùng một giai đoạn lịch sử nhất định. Chúng không bao giờ tồn tại
kéo dài từ giai đoạn này sang giai đoạn khác. Do đó, không có những tính
chất bất biến và kéo dài trong xã hội để làm chỗ dựa cho những phép khái
quát hóa bền vững - nói như vậy tất nhiên là không tính đến những sự lặp đi
lặp lại đều đặn thông thường, chẳng hạn như việc loài người, hoặc nguồn
cung cấp một số thứ luôn có hạn còn những thứ như không khí thì vô hạn,
và rồi chỉ có những thứ trước mới có thể gắn với thị trường hoặc có giá trị
trao đội.
Theo thuyết sử luận, một phương pháp không tính đến sự hạn chế như nói
trên và cố gắng tìm cách khái quát hóa những tính chất bất biến về mặt xã
hội sẽ vô hình trung dẫn đến sự khẳng định rằng những sự lặp đi lặp lại đều
đặn theo trình tự đó sẽ kéo dài mãi mãi; một quan niệm ngây thơ về mặt
phương pháp luận - quan niệm cho rằng các bộ môn khoa học xã hội hoàn
toàn có thể tiếp nhận phương pháp khái quát hóa của vật lý học - do đó chắc
chắn sẽ sản sinh ra một thứ lý thuyết xã hội học sai lầm và lệch lạc một
cách nguy hiểm. Đó sẽ là một lý thuyết phủ nhận sự phát triển xã hội; hoặc
phủ nhận việc xã hội luôn có những thay đổi đáng kể; hoặc phủ nhận việc
xã hội phát triển, nếu có, có thể tác động đến những sự lặp đi lặp lại đều đặn
thông thường của đời sống xã hội.