SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN - Trang 21

2. THỰC NGHIỆM

Vật lý học sử dụng phương pháp thực nghiệm; tức là nó áp dụng những
phép kiểm soát nhân tạo và một sự cách li nhân tạo, rồi thông qua đó bảo
đảm chắc chắn việc tái hiện những điều kiện tương tự và bảo đảm chắc
chắn việc sau đó tạo ra một số hiệu ứng tất yếu. Cơ sở của phương pháp này
không gì ngoài ý niệm cho rằng những điều tương tự sẽ phải xảy ra trong
những hoàn cảnh tương tự. Nhà sử luận tuyên bố không thể áp dụng
phương pháp ấy cho xã hội học. Giả như có áp dụng được, anh ta còn lập
luận tiếp, thì cũng không có ích gì. Bởi vì, do những điều kiện tương tự chỉ
xảy ra trong giới hạn của một giai đoạn duy nhất, cho nên kết quả của mọi
thực nghiệm hẳn sẽ chỉ mang ý nghĩa hết sức hạn chế. Hơn nữa, sự cách li
nhân tạo chắc chắn buộc ta phải loại trừ một số nhân tố quan trọng hàng đầu
đối với xã hội học. Với hoàn cảnh kinh tế cá thể bị cách li của mình,
Robinson Crusoe không thể được coi như mẫu hình dùng để đánh giá một
nền kinh tế mà các vấn đề của nó chắc chắn phải nổi lên từ mối tương giao
kinh tế giữa các cá nhân và các nhóm.

Người ta còn lập luận tiếp rằng không có một thí nghiệm nào thực sự được
coi là có giá trị. Những thí nghiệm trong lĩnh vực xã hội học hầu hết không
phải là những thí nghiệm hiểu theo nghĩa vật lý. Chúng không diễn ra trong
một phòng thí nghiệm tách biệt với thế giới bên ngoài, và do đó việc tiến
hành thí nghiệm luôn khiến cho điều kiện xã hội bị thay đổi. Không bao giờ
có thể lặp lại chúng trong những điều kiện hoàn toàn tương tự, bởi vì ngay
từ lần tiến hành đầu tiên chúng đã làm cho những điều kiện ấy thay đổi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.