Các nhà sử luận hay nhấn mạnh rằng ẩn sau những lý thuyết sai lầm như
vậy thường là một chủ định cần được thông cảm và trên thực tế, việc mặc
định là có những định luật xã hội bất biến có thể dễ dàng được lạm dụng vì
những mục đích như thế. Trước hết, hoàn toàn có khả năng xuất hiện một
luận cứ cho rằng có những cái không dễ chịu chút nào hoặc không hề được
trông đợi nhưng ta vẫn phải chấp nhận, vì chúng đã được những định luật
bất biến của tự nhiên quy định. Chẳng hạn, người ta có lúc đã phải viện đến
những “định luật vô cảm” của tính tự nhiên của con người, nhưng như vậy
cũng là do bởi bản tính tự nhiên của con người có sức mạnh sửa đổi chúng
hoặc, hơn thế nữa, có thể kiểm soát chúng. Mọi cái vẫn có thể được cải
thiện cho tốt hơn hoặc bị làm cho xấu đi; do đó, sự cách tân tích cực không
phải là một việc làm vô ích.
Những hướng suy xét đó của thuyết sử luận trở nên hấp dẫn đối với những
ai bị thôi thúc muốn có những hành động tích cực, những ai muốn góp sức
cải tạo hiện trạng, không muốn chấp nhận nó như một tình trạng không ai
cưỡng lại được. Xu hướng muốn hành động và chống lại bất cứ sự an bài
nào ấy có thể được gọi là thuyết hành động. Tôi sẽ còn bàn thêm về những
mối liên quan giữa thuyết sử luận và thuyết hành động trong mục 17 và 18.
Ở đây tôi chỉ xin nhắc lại khẩu hiệu quen thuộc của Marx, một nhà sử luận
và là người đã thể hiện thái độ “duy hành động” một cách đầy ấn tượng:
“Các triết gia xưa này chỉ biết tìm mọi cách diễn giải [giải thích] thế giới,
trong khi cái chính là phải cải tạo nó” (xem Luận cương về Feuerbach,
1845, của Marx, luận cương thứ bảy; xem thêm mục 17 dưới đây).