4. TÍNH PHỨC HỢP
Tình huống phương pháp luận như vừa được phác họa còn có một số khía
cạnh khác. Một trong những khía cạnh đó đã được đề cập khá nhiều trong
các cuộc tranh luận (và sẽ không được bàn đến ở đây), đó là vai trò xã hội
của một số nhân cách cá biệt. Một khía cạnh khác là tính phức hợp của các
hiện tượng xã hội. Trong vật lý học chúng ta thường làm việc với những đối
tượng ít phức hợp hơn nhiều; thêm vào đó, ta lại thường dùng phương pháp
thí nghiệm cách li để đơn giản hóa đối tượng nghiên cứu nghiên cứu một
cách nhân tạo. Bởi lẽ không áp dụng được phương pháp này cho xã hội học
nên ta phải đối mặt với một sự phức hợp kép - tính phức hợp xuất phát từ
việc không có khả năng cách li nhân tạo, và tính phức hợp xuất phát từ việc
đời sống xã hội vốn là một hiện tượng tự nhiên, một hiện tượng đòi hỏi phải
có sự tham gia của đời sống tinh thần của các cá nhân, tức là tâm lý học, mà
nói tới tâm lý học là phải nói tới sinh học và nói tới sinh học là phải nói tới
hóa học và vật lý học. Việc xã hội học ra đời muộn hơn, tính theo trật tự
thời gian, so với các ngành khoa học khác đã chứng tỏ cho ta thấy một cách
đầy đủ tính cùng phức hợp của các nhân tố tham gia vào đời sống xã hội.
Do tính phức hợp kép đó mà giá như thực sự có những tính chất bất biến về
mặt xã hội giống như những tính chất bất biến trong địa hạt vật lý học thì
chắc chắn ta cũng không phát hiện được chúng. Nhưng dù không phát hiện
được thì cũng chẳng có mấy lý do để cho rằng chúng không tồn tại.