Đối với cái mới về mặt xã hội, còn có một khía cạnh khác nữa cần lưu tâm.
Như ta thấy, mỗi biến cố xã hội riêng biệt, mỗi sự kiện đơn lẻ trong đời
sống xã hội, đều có thể được coi là mới theo nghĩa nào đó. Nó có thể được
xếp cùng loại với những sự kiện khác; nó có thể giống những sự kiện khác
ở vài khía cạnh; nhưng nó luôn là đơn nhất hiểu theo nghĩa tuyệt đối. Trong
phép kiến giải xã hội học, điều này luôn dẫn đến một nét khác biệt rõ rệt so
với những gì xảy ra trong thế giới vật chất. Một điều dễ nhận thấy là, qua
phân tích đời sống xã hội, chúng ta có khả năng bằng trực giác phát hiện và
hiểu được vì sao và bằng cách nào một sự kiện có thể xảy ra; chúng ta có
thể biết rõ nguyên nhân và kết quả của nó - tức là những động lực nào đã
khiến nó xuất hiện và nó đã ảnh hưởng tới những sự kiện khác như thế nào.
Tuy nghiên, chúng ta có vẻ như không thể phát biểu được những định luật
chung nhằm mô tả những mối quan hệ nhân quả ấy một cách khái quát. Bởi
vì những động lực riêng biệt được chúng ta phát hiện hình như chỉ có thể
dùng để giải thích một tình huống xã hội học riêng biệt nào đó mà thôi, chứ
không dùng để giải thích những tình huống khác. Và những động lực này
rất có thể là duy nhất: chúng chỉ xuất hiện một lần trong tình huống xã hội
riêng biệt ấy và không bao giờ xuất hiện lại.