trực giác về những sự kiện đơn lẻ và về vai trò của chúng trong những tình
huống đặc thù, xảy ra giữa những mớ hỗn độn các quyền lợi, các khuynh
hướng và các vận mệnh.
Tôi cho rằng nên phân biệt ba biến thể khác nhau của luận thuyết về nhận
thức trực giác. Biến thể thứ nhất khẳng định rằng một sự kiện xã hội được
nhận biết khi được mang ra phân tích trên cơ sở những động lực đã khiến
nó xảy ra, tức là khi biết rõ về những cá nhân và những nhóm tham gia,
những mục đích, quyền lợi và năng lực cũng như sức mạnh của những cá
nhân và nhóm đó. Những hành động của các cá nhân hoặc nhóm ở đây
được hiểu trong mối quan hệ phù hợp với những mục đích do họ đặt ra -
nhằm thúc đẩy lợi thế thực sự của họ, hay ít nhất nhằm thúc đẩy lợi thế mà
họ tự cho là mình có. Trong trường hợp này, phương pháp của xã hội học
được hình dung như một sự tái dựng mang tính tưởng tượng những hoạt
động có lí tính hoặc không có lí tính, hướng đến một số mục đích nhất định.
Biến thể thứ hai đi xa hơn. Nó chấp nhận việc phân tích như trên là tất yếu,
nhất là để hiểu được những hành động của cá nhân hoặc những hoạt động
của nhóm. Nhưng để hiểu được cuộc sống xã hội thì còn cần nhiều hơn thế.
Nếu muốn hiểu rõ ý nghĩa một sự kiện xã hội, chẳng hạn như một hành
động chính trị, thì việc hiểu được vì sao nó xảy ra và xảy ra như thế nào
trên tinh thần của thuyết cứu cánh là chưa đủ. Sâu hơn nữa, chúng ta còn
phải hiểu được nó có ý nghĩa gì, sự xuất hiện của nó quan trọng như thế
nào. “Ý nghĩa” và “tầm quan trọng” ở đây nghĩa là gì? Theo quan điểm của
cái tôi mô tả là biến thể thứ hai, câu trả lời hẳn phải là: một sự kiện xã hội
không chỉ gây ra một số ảnh hưởng nào đó, nó không chỉ sớm muộn dẫn
đến những sự kiện khác, mà chính bản thân sự hiện diện của nó làm thay
đổi giá trị tình huống của một loạt những sự kiện khác. Nó tạo ra một tình
huống mới, đồng thời đòi hỏi một sự định hướng lại và diễn giải lại mọi đối
tượng và mọi hành động thuộc một lĩnh vực. Để hiểu được một sự kiện, ví
dụ như việc cải tổ toàn bộ quân đội ở một nước nào đó, ta hẳn phải phân
tích rõ các ý đồ, các quyền lợi,.v..v. Nhưng ta không thể hiểu một cách đầy
đủ ý nghĩa hay tầm quan trọng của hành động đó nếu không phân tích được
giá trị tình huống của nó; các lực lượng quân sự của một nước khác, chẳng