hạn, xưa thừa sức bao sân, nay đã hoàn toàn không còn phù hợp. Tóm lại,
toàn bộ tình huống xã hội có thể đã thay đổi ngay cả trước khi xảy ra những
thay đổi nhìn thấy trên thực tế, dù đó là những thay đổi về mặt vật chất hay
thậm chí chỉ là những thay đổi về mặt tâm lí; bởi vì tình huống có thể đã
thay đổi từ lâu trước khi sự thay đổi thực sự được ai đó nhận ra. Do đó, để
hiểu được đời sống xã hội, ta phải tìm hiểu sâu hơn chứ không chỉ dựa vào
việc phân tích những nguyên nhân và những kết quả nhìn thấy trên thực tế,
tức là không chỉ dựa vào việc phân tích những động cơ, những quyền lợi và
những phản ứng nhằm đáp lại các hành động. Phải tìm hiểu mỗi sự kiện với
tư cách một nét đặc trưng nhất định trong cái toàn thể. Sự kiện có được tầm
quan trọng là nhờ vào ảnh hưởng của nó đến cái toàn thể, và cũng do đó
tầm quan trọng của nó một phần được xác định bởi cái toàn thể.
Biến thể thứ ba của luận thuyết về nhận thức trực giác còn đi xa hơn nữa,
ngoài việc hoàn toàn chấp nhận mọi cách nhìn của hai biến thể nói trên.
Biến thể này cho rằng ngoài nguyên nhân phát sinh, hậu quả và giá trị tình
huống ra, còn phải phân tích nhiều hơn nữa mới có thể hiểu hết được ý
nghĩa và tầm quan trọng của một sự kiện xã hội. Ngoài những phép phân
tích nói trên, còn cần phải phân tích những xu thế và những khuynh hướng
khách quan, mang tính lịch sử (ví dụ như sự lớn mạnh hay suy yếu của một
số truyền thống hoặc một số quyền lực) thịnh hành trong giai đoạn đang
được nói đến, đồng thời phải phân tích cả sự góp mặt của sự kiện đang
được bàn đến ấy vào tiến trình lịch sử trong đó những xu thế nói trên được
bộc lộ. Chẳng hạn, để hiểu rõ vụ bê bối Dreyfus thì ngoài việc phân tích
nguyên nhân, hậu quả và giá trị tình huống của sự việc ra, ta còn phải tìm
hiểu kĩ những biểu hiện của cuộc đụng độ giữa hai khuynh hướng lịch sử
trong quá trình phát triển của nền cộng hòa Pháp, khuynh hướng dân chủ và
chuyên chế, tiến bộ và phản động.
Ở một mức độ nào đó, với việc chú trọng vào các xu thế hoặc khuynh
hướng lịch sử, biến thể thứ ba của phương pháp nhận thức trực giác này có
xu hướng muốn áp dụng phép loại suy từ một giai đoạn lịch sử này cho một
giai đoạn lịch sử khác. Bởi mặc dù hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt
rất lớn giữa các giai đoạn lịch sử và biết rõ việc không một sự kiện nào có