9. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐỊNH LƯỢNG
Giữa những ý kiến bất đồng và tương phản nổi trội liên quan đến luận
thuyết nhận thức trực giác thì sự tương phản sau đây hay được các nhà sử
luận nhấn mạnh hơn cả. Người ta cho rằng trong vật lí học, các sự kiện
được giải thích chặt chẽ và chính xác dựa trên cơ sở định lượng cùng với sự
trợ giúp của các công thức toán học. Trái lại, xã hội học thường tìm hiểu
quá trình phát triển lịch sử dựa trên cơ sở định tính nhiều hơn; chẳng hạn
dựa vào những khuynh hướng và mục đích đối lập.
Không chỉ riêng các nhà sử luận đưa ra luận cứ chống lại khả năng áp dụng
các phương pháp định lượng và toán học, mà trên thực tế, kể cả những cây
bút có quan điểm phản sử luận đôi khi cũng chối bỏ những phương pháp
như vậy. Nhưng một số trong những luận cứ thuyết phục nhất chống lại các
phương pháp định lượng và toán học, những phương pháp bộc lộ rõ quan
điểm tôi gọi là sử luận, là những luận cứ ta sẽ bàn đến sau đây.
Khi chúng ta cho rằng không thể áp dụng các phương pháp định lượng và
toán học vào xã hội học thì lập tức sẽ có ý kiến phản đối gay gắt: thái độ
của chúng ta có vẻ như đụng chạm đến việc hiện nay các phương pháp định
lượng và toán học đang được một vài ngành khoa học xã hội áp dụng khá
thành công. Trước hiện tượng đó, liệu ta còn có thể coi chúng như những
phương pháp không áp dụng được nữa hay không?
Đáp lại những ý kiến phản đối trên, người ta đã đưa ra một số luận cứ đặc
trưng cho cách tư duy của nhà sử luận để bênh vực cho sự khước từ quan
điểm định lượng và toán học.
Nhà sử luận có quyền nói: tôi cũng sẵn sàng nhất trí như vậy, nhưng còn có
quá nhiều sự khác biệt giữa những phương pháp mang tính thống kê của các
bộ môn khoa học xã hội và những phương pháp định lượng toán học của vật
lí học. Không biết liệu các bộ môn khoa học xã hội quả thực có gì để mang
ra so sánh với những định luật vật lí mang tính nhân quả được trình bày
bằng các công thức toán học hay không?