Ví dụ, hãy xét định luật vật lí sau: (đối với ánh sáng có bước sóng bất kì)
khe hở để ánh sáng lọt qua càng nhỏ thì góc nhiễu xạ càng lớn. Một định
luật vật lí loại này có thể được phát biểu dưới dạng tổng quát: “Trong một
số điều kiện nhất định, nếu đại lượng A biến thiên theo một cách nào đó thì
đại lượng B cũng biến thiên theo một số cách có thể tiên đoán được”. Nói
cách khác, một định luật kiểu như vậy thể hiện một sự phụ thuộc của một
đại lượng đo đếm được vào một đại lượng khác, đồng thời nó còn thể hiện
rằng cách mà một đại lượng phụ thuộc vào một đại lượng khác có thể được
diễn tả chính xác bằng những công thức mang tính định lượng. Vật lí học đã
thành công trong việc thể hiện tất cả các định luật của nó dưới dạng ấy. Để
làm được việc này, nhiệm vụ trước tiên của vật lí học là diễn dịch mọi tính
chất vật lí ra dạng định lượng được, chẳng hạn, nó đã thay thế việc mô tả
định tính một số loại ánh sáng - ví dụ như một tia sáng có màu vàng tươi
ngả xanh - bằng một phép mô tả định lượng: ánh sáng có một bước sóng
nhất định và một cường độ nhất định nào đó. Một quy trình mô tả định
lượng các tính chất vật lí rõ ràng là rất cần thiết và tất yếu trước khi trình
bày các định luật vật lí trên cơ sở định lượng. Điều đó cho phép chúng ta
cắt nghĩa được vì sao một số sự việc lại xảy ra; chẳng hạn, với việc ngầm
định định luật về mối liên hệ giữa chiều rộng khe hở với góc nhiễu xạ, ta có
thể đưa ra một lời giải thích mang tính nhân quả cho độ mở của góc nhiễu
xạ dựa vào độ khép của khe hở.
Nhà sử luận cho rằng các bộ môn khoa học xã hội cũng phải cố gắng tìm ra
những lời kiến giải mang tính nhân quả. chẳng hạn, các bộ môn khoa học xã
hội có quyền tìm cách cắt nghĩa chủ nghĩa đế quốc thông qua sự bành
trướng của nền công nghiệp. Nhưng với ví dụ này ta nhận ra ngay rằng
không có hi vọng gì trình bày được các định luật xã hội học bằng ngôn ngữ
định lượng. Bởi nếu xem xét một lối trình bày kiểu như “khuynh hướng
bành trướng lãnh thổ đã phát triển đồng thời với cường độ công nghiệp
hóa” (một lối trình bày ít nhất là dễ hiểu nhưng chưa chắc đã đúng với diễn
biến trên thực tế) thì ta sẽ sớm nhận ra rằng không có phương pháp nào đo
đếm được khuynh hướng bành trướng hoặc cường độ công nghiệp hóa cả.