nhận cách nhìn phản tự nhiên luận nói trên). Tôi sẽ đưa ra đây một loạt ví
dụ:
- Không thể song song vừa áp dụng các biểu thuế nông nghiệp lại vừa tìm
cách giảm giá sinh hoạt.
- Trong một xã hội công nghiệp, không thể tổ chức các nhóm liên minh
người tiêu dùng tốt như tổ chức một số nhóm liên minh người sản xuất.
- Không thể có một xã hội kế hoạch hóa tập trung với một hệ thống giá cả
có thể thay thế cho những chức năng chính của các loại giá cả cạnh tranh.
- Không thể có đủ việc làm mà không có lạm phát.
Nhóm các ví dụ khác có thể được rút ra từ lĩnh vực quyền lực chính trị:
- Không thể tiến hành cải tổ chính trị mà không gây ra một số phản tác dụng
đối với những mục tiêu đề ra (do đó phải phát hiện được những phản tác
dụng ấy).
- Không thể tiến hành cải tổ chính trị không có sự chống đối ngày càng tăng
từ phía các lực lượng đối lập mà mức độ dữ dội của nó tăng lên cùng với
phạm vi của cuộc cải tổ (có thể nói đó là hệ luận xét về mặt công nghệ được
suy ra từ “luôn có những quyền lợi đi liền với status quo [hiện trạng]”).
- Không thể tiến hành một cuộc cách mạng mà không có phản ứng.
Đi kèm với những ví dụ trên, nên đưa thêm ra hai ví dụ có thể gọi là “Định
luật Plato về các cuộc cách mạng” (trong quyển thứ tám của tác phẩm Nền
Cộng hòa) và “Định luật của Huân tước Acton về tham nhũng”, đó là:
- Không thể thực hiện thành công một cuộc cách mạng nếu giai cấp thống
trị không bị suy yếu bởi sự tranh chấp nội bộ hoặc bởi bị thua cuộc trong
chiến tranh.
- Việc trao quyền lực cho một người nhiều hơn những người khác không thể
không cám dỗ người đó lạm dụng quyền lực - một sự cám dỗ tăng lên dữ
dội với sự tăng lên của quyền lực có được, và là một sự cám dỗ ít ai cưỡng
nổi.