tiếp cận từ góc độ công nghệ. Bởi việc khẳng định rằng chủ thuyết can thiệp
khiến mọi việc xấu đi cũng ngang với việc nói rằng một số hành động chính
trị nào đó sẽ không mang lại một số kết quả nhất định - tức là những kết quả
mà người ta trông đợi; và một trong những nhiệm vụ đặc trưng của mọi thứ
công nghệ là phải chỉ ra những gì không thể thực hiện được.
Cũng đáng bỏ chút thời qian tìm hiểu kĩ hơn về điểm này. Ở một bài viết
khác tôi đã chỉ ra rằng, ta có thể phát biểu mọi định luật tự nhiên bằng lời
khẳng định việc này hay việc kia không thể xảy ra có nghĩa là bằng một
mệnh đề dưới dạng cách ngôn kiểu: “Không xách nước được bằng rổ”
Chẳng hạn, có thể phát biểu định luật bảo toàn năng lượng như sau: “Không
thể chế tạo được động cơ vĩnh cửu”; và định luật entropy: “Không có bộ
máy nào có hiệu suất một trăm phần trăm” (Tham khảo cuốn “Logic phát
kiến khoa học” của tôi, Phần 15 (Các mệnh đề tồn tại bị phủ định [Negated
existential propositions]), lí thuyết này có thể đối lập với lí thuyết của J. S.
Mill trình bày trong cuốn Logic, cuốn V, Chương V, mục 2). Cách phát biểu
các định luật tự nhiên như thế là cách phát biểu khiến ý nghĩa công nghệ
của chúng trở nên rõ ràng và do đó còn có thể được gọi là “dạng công
nghệ” của một định luật tự nhiên. Nếu xem xét quan điểm phản can thiệp
dưới góc độ này thì lập tức ta hoàn toàn có thể phát biểu nó dưới dạng:
“Không thể có được kết quả này hay kết quả kia”, hoặc giả, “không thể đạt
được mục đích này hay mục đích kia nếu không kèm theo hiệu ứng này hay
hiệu ứng nọ”. Nhưng điều này lại cho ta thấy quan điểm phản can thiệp có
thể được gọi là một luận thuyết công nghệ tiêu biểu.
Tất nhiên, đây không phải là điều duy nhất xảy ra trong lĩnh vực khoa học
xã hội. Trái lại, ý nghĩa của việc phân tích của chúng ta nằm ở chỗ nó
hướng chú ý của ta đến sự giống nhau căn bản giữa các bộ môn khoa học tự
nhiên và các bộ môn khoa học xã hội. Ý tôi muốn nói là có những định luật
hay giả thuyết xã hội học giống với những định luật hay giả thuyết của khoa
học tự nhiên. Bởi vì người ta thường xuyên nghi ngờ sự tồn tại của những
thứ định luật hay giả thuyết xã hội học như vậy (khác với cái gọi là “những
định luật lịch sử”, chẳng hạn có thể xem M. R. Cohen, Reason and Nature,
từ trang 356. Những ví dụ được nêu lên trong văn bản này có vẻ như phủ