tiếp cận khoa học xã hội từ góc độ công nghệ hay về “công nghệ xã hội
phân mảnh”.
Những vấn đề công nghệ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội có thể mang đặc
tính “tư” hoặc mang đặc tính “công”. Chẳng hạn, những nghiên cứu về
quản trị kinh doanh hoặc về những tác động của việc cải thiện điều kiện lao
động đến sản phẩm đầu ra là thuộc nhóm thứ nhất. Những nghiên cứu về
tác động, chẳng hạn, đến trên cán cân thu nhập của việc cải tổ các trại giam,
hoặc của chính sách bảo hiểm y tế cộng đồng, hoặc của việc ổn định giá cả
thông qua các phương tiện pháp lí, hoặc của việc đưa ra mức thuế nhập
khẩu mới,.v..v. là thuộc nhóm thứ hai; và cũng thuộc nhóm ấy còn có những
vấn đề thực tiễn cấp bách khác, thể như khả năng kiểm soát các hoạt động
mậu dịch quay vòng; hoặc vấn đề liệu hoạt động “kế hoạch hóa” tập trung,
theo nghĩa nhà nước quản lí sản xuất, có tương hợp với sự kiểm soát dân
chủ có hiệu lực đối với hệ thống hành chính hay không; hoặc vấn đề làm
thế nào đưa được nền dân chủ đến các quốc gia Trung Đông.
Việc nhấn mạnh đến cách tiếp cận thực tiễn từ góc độ công nghệ không có
nghĩa là phải loại bỏ mọi vấn đề lí thuyết có khả năng nổi lên từ việc phân
tích các vấn đề thực tiễn. Ngược lại, tôi chủ yếu cho rằng cách tiếp cận từ
góc độ công nghệ có vẻ như chỉ có thể mang lại thành công khi nó khiến
nảy sinh những vấn đề thực sự có ý nghĩa xét về mặt lí thuyết thuần túy.
Nhưng bên cạnh việc giúp chúng ta hoàn thành nhiệm vụ căn bản là lựa
chọn các vấn đề, cách tiếp cận từ góc độ công nghệ còn áp đặt một kỉ luật
đối với những khuynh hướng tư biện của chúng ta (những khuynh hướng có
cơ lái chúng ta đến với địa hạt siêu hình học, nhất là trong lĩnh vực thuần
túy xã hội học); bởi cách tiếp cận đó buộc chúng ta phải tuân theo các lí
thuyết của mình về những tiêu chí đã được xác định, chẳng hạn như những
tiêu chí về tính sáng sủa và tính khả trắc nghiệm [testability - khả năng có
thể trắc nghiệm được]. Có lẽ nên tóm gọn quan điểm của tôi về cách tiếp
cận từ góc độ công nghệ như sau: xã hội học (và có lẽ tất cả các bộ môn
khoa học xã hội nói chung) thay vì cần tìm cho mình “một Newton hay một
Darwin”, thì nên tìm cho mình một Galileo hay một Pasteur.