23. PHÊ PHÁN QUAN ĐIỂM CHỦ TOÀN
Sau khi đã xác định rõ lập trường của mình và điểm qua quan điểm mà tôi
sẽ dựa vào để phê phán, cũng như nói qua về sự đối lập giữa một bên là
cách tiếp cận phân mảnh với một bên là cách tiếp cận chủ toàn và Không
Tưởng, tiếp đây tôi sẽ đi vào thực hiện nhiệm vụ chính của mình là xem xét
phân tích các quan điểm sử luận. Tôi xin bắt đầu bằng việc phê phán ngắn
gọn quan điểm chủ toàn, vì giờ đây quan điểm này dường như trở thành
một trong những lập trường mang tính quyết định của cái luận thuyết ta
đang cần công kích.
Có một sự lẫn lộn, mơ hồ khi người ta dùng từ “toàn thể” (hay “chỉnh thể” -
tiếng Anh là “whole” còn tiếng Pháp là “tout”) trong sách báo văn chương
chủ toàn. Nó thường được dùng để chỉ (a) toàn bộ hoặc tất cả những đặc
tính hoặc những khía cạnh của một sự vật, và đặc biệt là tất cả những mối
quan hệ có được giữa những thành phần cấu thành nên sự vật đó, và thứ hai
là để chỉ (b) một số đặc tính hoặc khía cạnh đặc biệt của sự vật đang được
xét tới, cụ thể là những đặc tính hoặc khía cạnh khiến cho sự vật được thể
hiện như một cấu trúc có tổ chức chứ không phải “chỉ là một mớ hỗn tạp”.
Những chỉnh thể [hay toàn thể] hiểu theo nghĩa (b) thường vẫn được coi là
những đối tượng của nghiên cứu khoa học, nhất là theo quan niệm của cái
gọi là trường phái tâm lí học Geslalt [tâm lí học Hình Trạng]; và thực sự ta
không có lí do gì khước từ việc nghiên cứu những khía cạnh chẳng hạn như
những sự lặp đi lặp lại đều đặn theo trình tự (ví dụ như tính đối xứng) có thể
được tìm thấy ở một số sự vật như các cơ thể sống, hoặc các dạng điện
trường, hoặc các cỗ máy. Về những sự vật có những cấu trúc như vậy, ta có
thể nói theo cách của lí thuyết Hình Trạng rằng chúng không chỉ là những
khối kết tập lộn xộn - “không chỉ là tổng của các thành phần”.
Mọi ví dụ mà thuyết Hình Trạng đưa ra đều có thể được sử dụng để chứng
minh rằng những chỉnh thể hay toàn thể hiểu theo nghĩa (b) khác xa so với
những toàn thể hiểu theo nghĩa (a). Nếu ta cùng các lí thuyết gia Hình
Trạng coi rằng một bản nhạc không chỉ là một tập hợp thu gom những nốt