SỰ NGHÈO NÀN CỦA THUYẾT SỬ LUẬN - Trang 97

nhạc đơn lẻ hay một dãy những nốt nhạc đơn lẻ, vậy thì chúng ta phải chọn
lấy một trong những khía cạnh nào đó của dãy nốt nhạc này để xem xét. So
với những khía cạnh khác, có một khía cạnh dễ dàng được phân biệt hơn cả,
chẳng hạn như cao độ tuyệt đối của nốt nhạc đầu tiên, hay cường độ trung
bình tuyệt đối của các nốt nhạc, và rồi còn những khía cạnh Hình Trạng
khác trừu tượng hơn so với những khía cạnh thuộc về giai điệu, ví dụ nhịp
của bản nhạc; bởi vì khi xét đến nhịp, ta thậm chí đã bỏ qua cao độ tương
đối, cái rất quan trọng trong một bản nhạc. Một khi đã có sự chọn lọc như
vậy, việc nghiên cứu một Hình Trạng, và qua đó là việc nghiên cứu bất cứ
toàn thể nào hiểu theo nghĩa (b) đều được phân biệt rất rõ ràng với việc
nghiên cứu một tổng thể, tức là một toàn thể hiểu theo nghĩa (a).

Do đó, không thể đem việc có thể nghiên cứu những toàn thể hiểu theo
nghĩa (b) một cách khoa học để biện minh cho một tuyên bố hoàn toàn khác
cho rằng những toàn thể hiểu theo nghĩa (a) cũng có thể được nghiên cứu
theo lối đó. Lời khẳng định sau phải bị bác bỏ. Nếu muốn nghiên cứu một
sự vật, chúng ta buộc phải lựa chọn một vài khía cạnh nhất định. Chúng ta
không thể xem xét hay mô tả một bộ phận nào đó của thế giới hay của tự
nhiên như một toàn thể; trên thực tế, kể cả một bộ phận nhỏ nhất cũng
không thể được mô tả như một toàn thể, vì mọi sự mô tả đều tất yếu phải
mang tính chọn lọc (Trong cuốn Weltanschauungslebre, II/I (1908), ở trang
63, H. Gomperz đã chỉ cho thấy có thể mô tả một bộ phận của thế giới, ví
dụ như một con chim sẻ đang hoảng sợ bay vụt lên, bằng rất nhiều mệnh đề
khác nhau như sau, mỗi mệnh đề tương ứng với một khía cạnh khác nhau
của nó: “con chim sẻ đang cất cánh”, “kia là con chim sẻ”, “một con vật
kìa!”, “có cái gì ở kia đang chuyển động”, “ở đây năng lượng đang biến
đổi”, “đây không phải là một chuyển động vĩnh cửu”, “con vật đáng
thương kia đang sợ hãi”. Rõ ràng không bao giờ khoa học có nhiệm vụ cố
gắng tìm cách bổ sung đầy đủ một danh sách kiểu như trên, một danh sách
hẳn là vô tận. Còn trong cuốn Ethics, tập LIV (1943), chú thích 5, F. A. von
Hayek đã sơ lược phê phán quan điểm chủ toàn khá giống với cách phê
phán được đề xuất trong sách này).

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.