nhiều trường hợp, do thời gian rất có hạn, nên Tổng tư lệnh tối cao và Bộ
Tổng tham mưu buộc phải thỏa thuận bằng điện thoại tất cả các vấn đề với
tư lệnh các phương diện quân.
Tuy có những việc làm trái với quy tắc, nhưng có một điều bất di bất
dịch là: khi xây dựng các kế hoạch chiến lược và khi giải quyết các vấn đề
kinh tế lớn nhất thì Bộ chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng, cơ quan
lãnh đạo các Lực lượng vũ trang bao giờ cũng dựa vào trí tuệ tập thể. Vì
vậy, những quyết định có tính chất chiến lược do Bộ Tổng tư lệnh tối cao
thông qua và do tập thể xây dựng thường là bao giờ cũng phù hợp với tình
hình cụ thể diễn ra ở các mặt trận, và những yêu cầu đề ra cho những người
chấp hành thì rất thực tế, do đó được bộ tư lệnh và bộ đội quán triệt và chấp
hành đúng.
Song, tôi xin quay lại với mùa hè năm 1941 .
Cuối tháng Sáu, Bộ Tổng tư lệnh định dùng lực lượng dự bị chiến lược
điều từ tung thâm ra để triển khai trên các tuyến sông Tây Đvi-na và sông
Đni-ép-rơ. Song những cánh quân cơ động lớn của địch đã đi trước chúng
ta.
Vào giữa tháng Bảy năm 1941, trong những điều kiện của tình huống
hết sức gay go. Hồng quân đã tạm thời ổn định được mặt trận. Cũng như
trước đây, hướng chính trên mặt trận Xô - Đức vẫn là hướng Trung tâm.
Trên hướng này, Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh tối cao đã điều những tập
đoàn quân từ lực lượng dự bị ra để thành lập một mặt trận phòng ngự chiến
lược mới, nhưng mặt trận này vẫn kém địch: về người gần 2 lần, về pháo và
cối - 2,4 lần, về máy bay 4 lần; chỉ có xe tăng thì ta hơn địch với tỷ số 1,3
trên 1.
Hai tháng đầu chiến tranh tôi chỉ công tác ở Bộ Tổng tham mưu. Trong
khi trận Xmô-len-xcơ đang diễn ra kịch liệt ngày 30 tháng Bảy, để bảo vệ
chắc chắn hơn cho hướng đi về Mát-xcơ-va và thành lập ở đây một trận địa