Cố nhiên, điều chủ yếu trong việc đó là sao cho chiến tranh kết thúc
thắng lợi. Đồng thời, tôi cũng nhận thức được rằng tôi có thể kiểm tra mình
qua việc trực tiếp chỉ huy bộ đội của một phương diện quân khi giải quyết
những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Tôi nghĩ rằng hình như I. V. Xta-lin
cũng xét đến một cái gì đó tương tự như vậy, bởi vì sắp tới còn phải tiến
hành cuộc chiến tranh chống nước Nhật Bản quân phiệt.
Thật đáng tiếc là khi đó tôi lại phải từ giã tập thể tuyệt vời của Bộ Tổng
tham mưu sau gần tám năm liên tục công tác ở đó. Cùng với tập thể này tôi
đã bắt đầu tham gia chiến tranh, đã trải qua những ngày gian khổ và nguy
hiểm nhất của cuộc chiến tranh đối với đất nước. Cùng với tập thể này, tôi
đã vui sướng trước những thắng lợi đầu tiên, mà đối với chúng tôi, những
người công tác ở Bộ Tổng tham mưu, những thắng lợi đó còn có một ý
nghĩa đặc biệt.
Việc tôi thôi công tác ở Bộ Tổng tham mưu buộc tôi phải chuyển về
từng mặt công tác của Bộ Tổng tham mưu lúc đó, mà trong các chương
trước của cuốn sách, tôi chưa nêu ra một cách đầy đủ.
Một số người ưa thích thống kê lịch sử đã tính toán rằng trong suốt thời
gian chiến tranh, tôi đã công tác ở Bộ Tổng tham mưu bao nhiêu lâu và là
đại diện của Đại bản doanh ở các phương diện quân bao nhiêu lâu. Bản thân
tôi không làm những con tính như vậy. Như thế là trong 34 tháng chiến
tranh, khi tôi là tổng tham mưu trưởng, thì có 12 tháng tôi đã trực tiếp công
tác ở Bộ Tổng tham mưu và 22 tháng công tác ở các phương diện quân để
thực hiện các nhiệm vụ của Đại bản doanh.
Từ đó có thể rút ra hai kết luận. Một số người cho rằng tổng tham mưu
trưởng dành nhiều thời gian ở với bộ đội chiến đấu là tốt. Ngược lại, một số
khác lại cho rằng tốt thì có tốt thật, nhưng chắc là trách nhiệm của đồng chí
ấy đối với công tác của Bộ Tổng tham mưu thì không lớn lắm. Một số khác
nữa lại thẳng thắn trách Đại bản doanh, họ khẳng định rằng, nếu như tổng
tham mưu trưởng dành nhiều thời gian công tác ở Bộ Tổng tham mưu hơn