trị, dưới có cai bạ coi về ngân khố và kí lục coi về hình án. Trấn Biên bao
gồm từ Bình Thuận đến Nhà Bè. Phiên Trấn từ Tân Bình đến Cần Giuộc
(Long An). Phủ Gia Định ngày đó gồm từ Bình Thuận, Sài Gòn, Đồng Nai,
Nhà Bè đến Long An. Địa bàn Đồng Nai, Gia Định được nới rộng thêm ra
hàng ngàn dặm vuông, các chủng dân được quy tụ thành chòm xóm. Dân số
có đến 40.000 hộ. Dân gốc Hoa đều nhập sổ bộ Đại Việt.
Trong số người Minh bỏ nước ra đi về phương Nam còn có một lực lượng
đông đúc khác là Mạc Cửu, người gốc Quảng Đông. Ông mở rộng vùng đất
Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Quốc khi đó thuộc Chân Lạp nhưng Chân Lạp
không kiểm soát được. Năm 1708, để tránh bị Xiêm La thường xuyên sang
cướp phá, ông xin sáp nhập vào Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Chu đổi
thành trấn Hà Tiên, phong Mạc Cửu làm Tổng binh, cai quản vùng đất này.
Khi Mạc Cửu mất, con là Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích) được
kế vị cha. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và đưa
người về dạy Nho học để khai hóa đất Hà Tiên. Trong các năm từ 1735 đến
1739, ông mở rộng đất đai sang bán đảo Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cần
Thơ, sáp nhập vào trấn Hà Tiên, coi như thuộc lãnh thổ Đàng Trong.
Năm 1755, biết vua Chân Lạp là Nặc Nguyên (Ang Tong) thông sứ với
chúa Trịnh ở Đàng Ngoài để lập mưu đánh mình, Võ Vương Nguyễn Phúc
Khoát sai Nguyễn Cư Trinh đem quân sang trừng phạt. Nặc Nguyên thua
phải chạy sang Hà Tiên nương nhờ Mạc Thiên Tứ, rồi xin dâng hai phủ Tầm
Bôn và Lôi Lạp (nay là Tân An và Gò Công) cho chúa Nguyễn để tạ tội. Sự
tranh chấp quyền lực trong triều đình Chân Lạp diễn ra gay gắt. Các phe
phái tiếp tục lấy việc cắt đất để tranh thủ sự giúp đỡ của chúa Nguyễn và
Mạc Thiên Tứ, đến nỗi đất đai chẳng còn bao nhiêu. Sau này, vào đầu thế kỉ
20, khi thực dân Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, họ đã phải điều
chỉnh một phần đất cho Cao Miên, một thành viên trong Liên bang.
Cùng với việc mở rộng lãnh thổ trên đất liền, chính quyền Đàng Trong lần
lượt đưa người ra khai thác và kiểm soát các đảo và quần đảo trên biển Đông
và vịnh Thái Lan. Quần đảo Hoàng Sa được khai thác và kiểm soát từ đầu