Nghĩa là bộ “ngọc” có một dấu chấm, để lên đầu là chữ “chúa”, bỏ đi là
chữ “vương”. Ý nói chí lớn của mình chẳng làm chúa cũng làm vua chứ
không chịu hàng.
Sau vì bị bạn học cũ truy đuổi riết, Nguyễn Hữu Cầu tức giận đào mồ mẹ
Phạm Đình Trọng đổ xuống sông. Từ đó Phạm Đình Trọng thề không cùng
sống với Nguyễn Hữu Cầu, và cũng từ đó bắt đầu cuộc sống mái giữa hai
người.
Nguyễn Hữu Cầu bị Phạm Đình Trọng đánh thua nhiều trận, thế lực ngày
một suy yếu, vì vậy đến tháng 3 năm 1746 phải sai thủ hạ đem vàng bạc đút
cho đại thần là Đỗ Thế Giai để xin đầu hàng. Trịnh Doanh y cho, lệnh cho
Cầu cùng thủ hạ được phép rửa hết tội trước, lại phong cho Cầu làm Ninh
Đông tướng quân, tước Hương Nghĩa hầu.
Nhưng khi Nguyễn Hữu Cầu được lệnh triệu về kinh, Phạm Đình Trọng
vì tư thù không nghe, ngăn đường đón đánh. Hay tin, Trịnh Doanh vội sai
người đem lệnh chỉ đến phủ dụ Trọng không được đánh. Phạm Đình Trọng
nhất định không chịu, nói với sứ:
- Tôi với Hữu Cầu không cùng đội trời chung, điều này tôi đã từng nói
trước chúa thượng. Nay ông nhận mệnh đi chiêu hàng, tôi nhận mệnh đi giết
giặc, nếu gặp thế có thể đánh được giặc, thì tôi cũng không vì cớ ông đến
chiêu hàng mà ngần ngại.
Cuối cùng, Nguyễn Hữu Cầu phải bỏ trốn.
Mùa thu năm 1748, lực lượng lại mạnh lên, Cầu mang quân đánh Sơn
Nam, thắng được Trấn tướng Vũ Tá Sắt. Trịnh Doanh biết chỉ Đình Trọng
mới địch lại được Hữu Cầu, bèn sai ông ra trận. Sau nhiều trận đánh, lúc ở
Bồ Đề, lúc ở Cẩm Giàng, khi vào tận Thanh Hóa, Nghệ An, quân của Cầu bị
Trọng đánh cho cùng đường, phải hợp với một thủ lĩnh tên là Diên, nổi lên ở
Hương Lãm (thuộc huyện Nam Đường).
Đầu năm 1751, Phạm Đình Trọng đem đại quân vào đánh phá trại của
Nguyễn Hữu Cầu. Cầu chạy đến làng Hoàng Mai (Quỳnh Lưu, Nghệ An) thì
bị một bộ tướng bắt được, đóng cũi đem về nộp chúa. Trịnh Doanh mừng
lắm, mở tiệc khao quân, bắt giải về kinh đô xử tội.