đoạn của triều đình nhà Thanh, để vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao vừa
giữ thể diện cho đất nước. Chính trong những ngày ấy ông có dịp hiểu thêm
về Duy Mật. Vị hoàng thân này mang nặng nỗi đau của người hoàng tộc, khi
ngày ngày chứng kiến cảnh chúa Trịnh hiếp đáp vua Lê, nhất là thời Trịnh
Giang, chúa bày việc phế lập tùy ý, để càng được thể lộng hành. Sang thời
Trịnh Doanh có đỡ, nhưng đến thời chúa Trịnh Sâm thì lại có việc chúa hãm
chết thái tử Lê Duy Vĩ. Vua Hiển Tông vẫn chịu nhũn một bề, nhưng Duy
Mật thì không chịu được. Qua những lời thở than bóng gió của người đồng
hành, Lê Quý Đôn không thể không nhận ra nỗi bất bình. Nhưng chống lại
chúa cũng tức là chống lại triều đình, đạo làm tôi ai lại thế!
Nay sự đã nhỡ, ông vừa tiếc cho bạn, vừa thương thân phải đi làm cái việc
không ai muốn này: cầm quân đi đánh dẹp người bạn đồng liêu, nay đã trở
thành kẻ phản nghịch, cần phải tiêu diệt!...
∗
∗ ∗
Lê Quý Đôn sinh năm 1726, tên thuở nhỏ là Lê Danh Phương. Quê ông là
làng Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh
Thái Bình. Từ nhỏ Danh Phương đã nổi tiếng ham học, thông minh, có trí
nhớ tốt, được gọi là “thần đồng”. Năm lên 5 tuổi đọc được nhiều bài trong
Kinh Thi. Đến năm 12 tuổi thì đã học “khắp kinh, truyện, các sử, các sách
của bách gia chư tử”, như Phan Huy Chú từng viết về ông.
Năm 13 tuổi, Danh Phương theo cha là Tiến sĩ Lê Phú Thứ lên Thăng
Long ăn học. Năm 17 tuổi dự thi Hương và liền đỗ Giải nguyên (đỗ đầu).
Sau mấy lần thi Hội không đỗ, đến kì thi năm 1752 thì đỗ Hội nguyên, khi
mới 26 tuổi. Vào thi Đình, họ Lê đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kì thi này không lấy
đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, Lê Quý Đôn đều đỗ đầu.
Sau khi đỗ đại khoa, Lê Quý Đôn được bổ vào làm ở Viện Hàn lâm, rồi
sung làm Toản tu quốc sử, chuyên biên soạn, hiệu chỉnh các văn thư, sách sử
của triều đình.
Lê Quý Đôn đến với nghề dạy học và công việc trước thuật từ rất sớm.
Ngay khi còn đang lo thi Hội, ông đã mở lớp dạy học và viết sách Đại Việt