viết xong từ lâu nhưng vẫn để đấy. Vì vậy, một ngày đầu năm Nhâm Dần
(1782), Lê Hữu Trác nhận chiếu chỉ của chúa Trịnh, từ giã gia đình, học trò,
xuống thuyền lên đường ra Bắc.
Lên kinh, ông được triệu vào phủ chúa xem mạch, kê đơn cho thế tử.
Chúa Trịnh Sâm khen ông “hiểu sâu y lí”, ban cho 20 suất lính hầu và bổng
lộc ngang với chức quan kiểm soát bộ Hộ để giữ ông lại trong phủ. Nhưng
nỗi chua chát thì không để đâu cho hết. Nguyên khi ông vào xem mạch cho
thế tử (lúc đó mới 5 tuổi), việc đầu tiên là phải thi lễ. Mặc dù đã 62 tuổi, lại
là một danh y, ông vẫn phải theo lệnh quan Chính đường ra phía trước, cúc
cung lạy bốn lạy. Thế tử đã không cho miễn lễ thì chớ, lại cười mà bảo rằng:
“Người này lạy khéo.” Chi tiết này về sau được Lê Hữu Trác đưa vào cuốn
Thượng kinh kí sự, kể về chuyến lên kinh của mình. Ngòi bút sắc sảo của
ông đã cung cấp cho người đời một bức tranh vô cùng sinh động về thời đại
của ông, trong đó một vị thày thuốc danh vang bốn bể như Lê Hữu Trác,
dưới mắt một đứa trẻ con nhà chúa chỉ là một người... khéo lạy!