hiểu lễ nghi. Ông bỏ giáp, tháo gươm đưa cho viên hộ quan, cất giọng vang
như chuông nói:
- Tôi quen chiến trận, lỡ vô phép. Xin hoàng thượng và các quan tha lỗi.
Đoạn, quỳ xuống làm lễ ra mắt.
Vua Lê Hiển Tông đã già yếu lại đang bệnh nặng, nằm trên long sàng ở
nội điện. Vua sai hoàng tử Duy Cận đỡ Nguyễn Huệ dậy, mời đến bên
giường ngồi để hỏi chuyện. Nguyễn Huệ khiêm nhường xin được đứng hầu,
vua mời mãi mới thu mình ngồi xuống một góc giường.
Huệ nói:
- Tôi vốn là kẻ áo vải ở Tây Sơn, vì đại nghĩa mà nổi lên đánh Nguyễn,
diệt Trịnh. Thắng được họ là hợp lòng dân và nhờ ơn đức của bệ hạ.
Vua thều thào:
- Không! Đó là võ công của Tướng quân, quả nhân nào có tài đức gì.
- Tôi chỉ cốt phò vua để xã tắc sớm được hưởng thái bình, đâu dám kể
công. Dám xin bệ hạ từ nay giữ gìn triều chính, khiến cho trong ấm ngoài
êm, tôi cũng được ơn nhờ.
Mười ngày sau, chọn ngày lành tháng tốt, vua Lê Hiển Tông cho thiết đại
triều tại điện Kính Thiên, có đông đủ văn võ bá quan và các tướng Tây Sơn
cùng dự. Dù yếu mệt, nhà vua cũng cố gắng có mặt trên ngai vàng suốt buổi
lễ. Nguyễn Huệ từ cửa Đoan Môn đi vào, đem sổ sách điền, hộ, sổ quân, sổ
lương dâng lên theo đúng nghi lễ để vua sai các quan coi giữ.
Vua bùi ngùi phán:
- Ta làm vua mà không có quyền. Nước trước đây thực ra thuộc về họ
Trịnh. Bốn mươi năm rũ áo, vua chẳng khác gì một ông quan không được
giao việc. Nay cuộc đời sắp tàn mới được thấy hai chữ quốc gia.
Vua xuống chiếu, phong cho Nguyễn Huệ chức Nguyên soái Uy Quốc
công, lại cắt cho đất Nghệ An để khao quân.
Nguyễn Hữu Chỉnh muốn lấy lòng Nguyễn Huệ, xui vua gả con gái cho
Huệ làm chỗ thân tình. Nhà vua cả mừng, chọn cô con gái yêu là công chúa