có cả nước Nam, nay bệnh không khỏi. Thái tử tư chất hơi cao, nhưng tuổi
còn nhỏ. Ngoài thì có thù nước ở Gia Định, mà Thái Đức thì tuổi già, nhàn
rỗi vui chơi cầu yên, không toan tính cái lo về sau... Bọn ngươi nên cùng
nhau giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh đô, để khống chế thiên hạ.” Người
anh hùng dân tộc đầy khát vọng đưa đất nước vươn lên, trụ cột của triều Tây
Sơn đã từ trần ở tuổi 39 vào ngày 29 tháng Bảy năm Nhâm Tí (tức 15-9-
1792). Tính đến khi ấy, ông mới làm vua được 4 năm, để lại những tổn thất
không thể bù đắp.
Thái tử Quang Toản mới 12 tuổi lên ngôi, lấy hiệu là Cảnh Thịnh. Cậu
ruột nhà vua là Bùi Đắc Tuyên nhiếp chính, nắm trọn quyền trở nên lộng
hành, độc đoán, khiến mọi người bất bình, cuối cùng bị Tư khấu Võ Văn
Dũng giết chết. Triều đình trở nên rối ren.
Năm Quý Sửu (1793), trước cuộc tấn công của Nguyễn Ánh vào Quy
Nhơn, Nguyễn Nhạc không chống cự nổi, phải cho người ra Phú Xuân xin
cứu viện. Vua Cảnh Thịnh cử quân vào giúp đỡ, đánh tan được quân
Nguyễn, nhưng lại nổi máu tham, không nể gì ông bác ruột già yếu, chiếm
luôn thành trì khiến Nhạc uất quá mà chết.
Do cướp quyền, lại thi hành chính sách nghiệt ngã, Cảnh Thịnh không
được người Quy Nhơn tuân phục. Họ mong chờ từng ngày sự thay đổi:
Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm thẳng ra.
Năm 1789, Nguyễn Ánh mang đại quân ra chiếm được Quy Nhơn, tướng
Vũ Tuấn đầu hàng. Vua Cảnh Thịnh sai Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng
đem quân vào vây thành đánh riết mà không thắng. Tướng của Nguyễn Ánh
là Võ Tánh tử thủ cầm chân hai danh tướng Tây Sơn trong hơn một năm.
Lợi dụng lực lượng chính của Tây Sơn bị cầm chân ở đây, năm 1801,
Nguyễn Ánh mang quân chủ lực vượt biển ra đánh Phú Xuân. Các căn cứ
lần lượt rơi vào tay Ánh.
Ngày 13-6-1801, Ánh tái chiếm được kinh đô xưa của tổ tiên mình, truy
đuổi Quang Toản nhưng không kịp. Nhà vua trẻ đã cùng một số họ hàng
thân tín vượt sông Gianh ra Bắc Hà.