Nghệ An. Khi lui, phía sau là vùng núi Lam Sơn bao la, nơi Lê Thái Tổ xưa
kia đã lấy làm căn cứ dấy nghĩa...
“Đất lành chim đậu”, Vạn Lại nhanh chóng trở thành nơi thu hút hào kiệt,
danh sĩ bốn phương tìm đến tiến thân, và giúp vua giúp nước. Các danh sĩ
danh vang bốn bể như Lương Đắc Bằng, Phùng Khắc Khoan cũng góp mặt.
Một triều đình có đầy đủ văn quan, võ tướng được thiết lập. Từ đây, nhiều ý
chỉ của vua đã được ban, nhiều sắc phong đã được xét để làm phấn khởi ba
quân. Quân sĩ nhà Lê ngày càng lớn mạnh, đánh đâu được đấy nên càng nức
lòng nức chí. Nhiều quan tướng nhà Mạc cũng dẫn quân trốn vào Thanh Hóa
quy theo, như Lê Bá Li, Nguyễn Thiến, Nguyễn Quyện... Vua Lê đều trọng
thưởng. Thanh thế của Nam triều lên như diều gặp gió.
Trong gần nửa thế kỉ cho đến khi nhà Lê chiếm lại được Thăng Long
(1593), Vạn Lại là nơi diễn ra nhiều sự kiện. Tháng Giêng năm Mậu Thân
(1548), vua Lê Trang Tông băng hà, được an táng tại chính đất này (đến nay
vẫn còn bia và dấu vết mộ chí, gọi là Cảnh Lăng). Thái tử Huyên (tức Lê
Trung Tông) làm lễ đăng quang cũng là ở đó, theo đúng lễ nghi thiên tử.
Nơi đây cũng đã trở thành một trong ba địa điểm thi tuyển tiến sĩ trong
lịch sử khoa cử nước ta: Thăng Long, Vạn Lại và Huế. Từ 1546 đến 1593, ở
Vạn Lại đã tổ chức bảy khóa thi, chọn ra được nhiều hiền tài góp công với
đất nước vào những năm cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17. Có thể kể đến các tiến
sĩ Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thực, Lê Trạc Tú, về sau đều làm đại quan
của Lê triều... Tại Văn Miếu Hà Nội ngày nay có 82 bia tiến sĩ, trong đó có
bảy bia ghi các tiến sĩ đỗ các khoa thi ở Vạn Lại. Bia tiến sĩ năm Canh Thìn
(1580) có ghi: “Nay hoàng thượng ở nơi tôn vinh, giữ quyền chế tác, sửa
sang chế độ, bồi dưỡng nhân tài. Dựng đá làm bia cho người đời sau lấy làm
khuôn mẫu, khắc tên họ để cho thiên hạ để ý quan chiêm. Trên là để phát
huy lòng trung nghĩa của người trước, dưới là để cảm kích kẻ hào kiệt
đương thời, mà trong đó vẫn ngụ ý khen thưởng khuyến miễn”...