thêm ba bức lũy, đào thêm ba lần hào bên ngoài thành Đại La, lại trồng
chông gai suốt vài chục dặm bao xung quanh.
Năm 1587, Trịnh Tùng kéo đại quân ra đánh lớn. Chiến trường diễn ra ở
phía tây kinh đô Thăng Long. Các năm tiếp theo, năm nào Trịnh Tùng cũng
đánh ra, mỗi năm một áp sát kinh thành.
Tình hình nguy cấp là thế, song Mạc Mậu Hợp vẫn không tỉnh ngộ, bỏ
ngoài tai mọi lời can gián của trung thần. Đã vậy, năm 1592 vua còn tìm
cách chiếm đoạt vợ viên tướng Bùi Văn Khuê đang giữ trọng trách trấn giữ
Sơn Nam. Bùi Văn Khuê liền đem quân đầu hàng Trịnh Tùng.
Không bỏ lỡ cơ hội, Nam triều đem toàn quân chia thành nhiều hướng ồ
ạt tấn công Thăng Long. Chủ tướng Trịnh Tùng đích thân cầm cờ lệnh chỉ
huy. Chiều mùng 6 Tết năm Kỉ Sửu (1592), bốn mặt thành bị tan vỡ. Tướng
Mạc phải bỏ thành chạy trốn.
Mạc Mậu Hợp cũng bỏ trốn, giả làm sư ẩn núp ở chùa Mô Khuê (Bắc
Giang). Nhưng rồi cũng bị bắt về treo sống trước cổng thành Thăng Long ba
ngày trước khi bị giết chết. Con là Mạc Toàn được đưa vội lên ngôi, chưa
từng một ngày ngồi trên ngai vàng cũng bị giết chết.
Trịnh Tùng đưa Lê Thế Tông trở về Thăng Long, lập phủ chúa bên cạnh
triều đình vua Lê.
∗
∗ ∗
Cuộc chiến 60 năm Nam - Bắc triều coi như kết thúc. Nhưng chiến tranh
trên đất nước ta vẫn chưa thực sự chấm dứt. Các tôn thất nhà Mạc chạy thoát
vẫn tập hợp lực lượng, khởi binh chống lại ở nhiều nơi. Nhà Mạc còn kéo
dài được thêm bốn đời vua nữa hùng cứ ở đất Cao Bằng. Cuộc chinh phục
của họ Trịnh phải 85 năm sau nữa mới hoàn tất.