Sau Mạc Kính Cung, nhà Mạc còn truyền thêm được các đời vua là Mạc
Kính Khoa và Mạc Kính Vũ ở Cao Bằng.
Tuy nhiên, cuộc chiến với quân Lê Trịnh vẫn còn tiếp diễn. Chúa Trịnh
nhiều lần đem quân lên đánh Cao Bằng, nhưng do địa hình hiểm trở, tiếp tế
khó khăn, nên phần nhiều phải rút quân về.
Năm 1623, Trịnh Tráng đốc binh đánh Cao Bằng, dùng hỏa công đánh bại
quân Mạc, bắt được Kính Cung đem về giết tại kinh đô Thăng Long.
Nhân khi triều đình Lê Trịnh có biến, quân Mạc đã có lần chiếm lại Thăng
Long, có lần đem quân đóng ở Gia Lâm, nhưng sau đó đều bị quân Trịnh
đánh bại. Lần khác, do Trịnh Tráng bận đánh nhau với chúa Nguyễn ở
Thuận Hóa, Mạc Kính Vũ cũng đem quân xuống chiếm Bắc Kạn, Thái
Nguyên. Ngược lại, sau khi tạm ổn ở mặt trận phía Nam, chúa Trịnh cũng
liên tiếp ba lần đem quân lên đánh Cao Bằng. Từ khi nhà Thanh thay thế nhà
Minh (1644) trị vì Trung Quốc, nhà Mạc mất đi sự “bảo trợ” từ nước ngoài
nên khó mà giữ được vùng lãnh thổ của mình.
Cuối cùng, năm 1677, chúa Trịnh sai tướng Đinh Văn Tả đem quân đánh
úp, Mạc Kính Vũ bị bất ngờ phải thua chạy sang Trung Quốc. Từ bấy giờ
nhà Mạc mới thực sự chấm dứt hẳn. Tính từ khi Mạc Mậu Hợp bị quân
Trịnh giết chết (1592) đến khi ấy, tổng cộng đã kéo dài thêm 85 năm!
Hiện nay ở Cao Bằng cũng như một số nơi như Lạng Sơn, Tuyên Quang
vẫn còn lưu các dấu tích lịch sử gọi là Thành Nhà Mạc.