Bạch Vân quốc ngữ thi là một tập thơ chữ Nôm, người đời sau khắc ván
in, tập hợp thơ của cả những tác giả khác nên khó phân biệt. Từ những bài
thơ được các nhà nghiên cứu khẳng định là của Nguyễn Bỉnh Khiêm
(khoảng 140 bài), có thể thấy ông đã kế thừa truyền thống thơ Nôm của
Nguyễn Trãi, Việt hóa nhiều điển cố, từ ngữ Hán học, dùng lời lẽ của giới
bình dân. Thơ Nôm của Nguyễn Bỉnh Khiêm vừa hàm súc, điêu luyện, vừa
đậm đà phong vị dân gian. Nó mang tính luân lí sâu sắc, dạy đạo lí làm
người một cách đơn giản. Vận dụng lời ăn tiếng nói của dân gian một cách
tự nhiên, nhiều câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm như đã thành cách ngôn,
tục ngữ.
Bên cạnh một Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà tư tưởng, nhà hiền triết, nhà thơ
lớn còn tồn tại một Nguyễn Bỉnh Khiêm - nhà tiên tri, dường như biết trước
cả những việc sẽ xảy ra 500 năm sau. Lưu truyền nhiều nhất là những giai
thoại liên quan đến “bàn cờ thế sự” cả một thời trung đại. Được Nguyễn
Hoàng cho người hỏi ý kiến khi gặp vấn đề nan giải, Nguyễn Bỉnh Khiêm
bằng cách nói bóng gió, bâng quơ, đã mách nước cho Nguyễn Hoàng vượt
Hoành Sơn (Đèo Ngang) lập cơ nghiệp muôn đời. Cũng thế, ông mách cho
Trịnh Kiểm dựa vào vua Lê mà nắm mọi việc triều chính; gợi ý cho Mạc
Mậu Hợp tiếp tục vương triều thêm 80 năm ở đất Cao Bằng nhỏ hẹp... Nói
cách khác, ông là một Khổng Minh - quân sư cho cả ba thế lực chính trị
đương thời. Có người cho rằng ông cố ý tạo ra thế chân vạc, để các thế lực
đó kiềm toả lẫn nhau ở những nơi khá cách biệt, tránh cho đất nước rơi vào
thế hỗn chiến tam quốc, muôn dân tránh được cảnh đầu rơi máu chảy, nồi da
nấu thịt, huynh đệ tương tàn...
Trong dân gian còn lưu hành sấm kí Nôm thường gọi là sấm Trạng Trình,
phần lớn được viết theo thể lục bát, như Trình quốc công sấm kí, Trình tiên
sinh quốc ngữ. Đó là một hiện tượng đang được các nhà khoa học tìm hiểu,
xác minh thêm. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Lê mạt nhận định: “Trạng
Trình đã nắm được huyền cơ của tạo hóa”. Tiếng tăm của ông vang sang cả
Trung Quốc. Sứ giả nhà Thanh là Chu Xán sang ta, cũng viết: “An Nam lí
học hữu Trình Tuyền” (ý nói ở nước Nam có Trình Tuyền hầu là người
thông giỏi khoa lí số).