khí. Anh ta bước vào đời tôi vào thứ Tư, 18 tháng Sáu năm 2008, ngày tôi
bắt đầu thực sự cuộc điều tra riêng của mình về kẻ sát hại Nola Kellergan
và Deborah Cooper. Buổi sáng hôm đó, sau gần 48 tiếng đồng hồ có mặt ở
Goose Cove, tôi quyết định đã đến lúc phải bắt đầu bằng việc nghiên cứu
cái hố khổng lồ được đào cách ngôi nhà khoảng 20 mét mà cho đến tận lúc
đó, tôi chỉ đứng quan sát từ xa. Luồn lách qua những dải băng cách ly của
cảnh sát, tôi kiểm tra thật kĩ mảnh đất đối với tôi đã quá đỗi thân thuộc.
Goose Cove được bãi biển bao quanh với rừng nước lợ, và cũng không hề
có rào chắn hay biển cấm đi qua để xác định ranh giới phần đất thuộc về
ngôi nhà. Bất kì ai cũng có thể ra vào ; hơn nữa, cũng khá thường xuyên có
người đi qua để dạo theo bờ biển hay đi xuyên qua cánh rừng gần đó. Cái
hố nằm ngay trên mảnh đất cỏ mọc cao hướng ra phía biển, khoảnh đất
giữa sân nhà và rừng. Đứng trước cái hố, hàng nghìn câu hỏi bắt đầu thiêu
đốt trí óc tôi, nhất là không biết bao nhiều giờ đồng hồ tôi từng ngồi trên
cái sân này, từng ngồi trong phòng làm việc của thầy Harry, trong khi đó,
xác chết của cô gái vẫn nằm ngủ ngay dưới đất, ngay tại đây. Tôi chụp vài
tấm ảnh, dùng điện thoại di động quay cả mấy đoạn phim, cố gắng hình
dung cái cơ thể đang bị thối rữa ra kia nhìn như thế nào khi cảnh sát phát
hiện và đào lên. Đầu óc hoàn toàn tập trung vào vụ án nên tôi không hề
cảm thấy mối đe dọa từ phía sau lưng. Chỉ khi quay lại để quay phim
khoảng cách từ sân tới cái hố chôn người, tôi mới thấy một người đàn ông
đứng cách tôi có vài mét, đang chĩa súng lục vào tôi. Tôi hét lên.
– Đừng bắn! Đừng bắn, mẹ kiếp! Tôi là Marcus Goldman, nhà văn.
Anh ta hạ ngay súng xuống.
– Anh chính là nhà văn Marcus Goldman à?
Anh ta cất khẩu súng lục vào bao đeo trên thắt lưng bên hông, tôi nhận
thấy anh ta còn đeo phù hiệu.
– Anh là cảnh sát? Tôi hỏi.
– Trung sĩ Perry Gahalowood. Thuộc đội phòng chống tội phạm cảnh
sát bang. Anh làm trò gì ở đây thế? Đây là hiện trường vụ án chứ không
phải chỗ chơi.