– Vậy tức là anh không bị cấm vào ở trong nhà.
– Tôi chả hiểu gì cả.
– Cái hay của luật pháp nước Mỹ nằm ở đó, anh Goldman ạ: chỗ nào
không có luật, thì anh có thể tự biên tự diễn. Nếu anh cả gan bới lông tìm
vết, cứ việc đến tận Tòa tối cao để tìm chân lí và có thể xuất bản một bản
án mang tên anh: Goldman chống lại bang New Hampshire. Anh có biết tại
sao trên đất nước này, khi bắt anh, người ta phải nói cho anh biết các quyền
của anh không? Bởi vì trong những năm 1960, một kẻ nào đó tên là Ernesto
Miranda đã bị kết tội cưỡng hiếp dựa trên chính những lời tự thú của hắn.
Và thế là, anh biết không, luật sư của hắn tuyên bố bản án không chính
đáng vì cái tay Miranda dũng cảm này không được học hành nhiều và hắn
không hề biết có Bộ Nhân quyền cho phép hắn không cần phải thú tội gì
hết. Viên luật sư đó đã làm ầm ĩ lên thành chuyện to, rồi mang vụ việc kiện
lên đến tận Tòa án tối cao và mọi cơ quan thẩm quyền. Thế rồi, anh biết
không, cái tên luật sư khốn kiếp ấy đã thắng kiện! Những lời thú tội không
có giá trị, bản án Miranda chống lại bang Arizona trở nên nổi tiếng và từ đó
khi cảnh sát bắt người đều phải nói theo quy định: “Anh có quyền giữ im
lặng và có quyền đòi luật sư, nếu anh không có khả năng tài chính trả tiền
luật sư thì sẽ có luật sư nhà nước phục vụ anh”. Tóm lại, mấy cái câu nhảm
nhí ngu ngốc đó người ta thường nghe trên phim, tất cả là nhờ vào anh bạn
Ernesto! Đạo đức, chân lí ở nước Mỹ là kết quả làm việc tập thể: tất cả mọi
người đều có quyền tham gia. Vậy anh cứ chiếm lấy nơi này, chẳng có gì
ngăn cản cả. Nếu cảnh sát dám đến làm phiền, thì anh cứ nói là ở đây thiếu
quy định của luật pháp, cứ nhắc đến Tòa án tối cao rồi đe dọa họ phải đền
bù thiệt hại với tổn thất to lớn, thế nào họ cũng sợ. Tuy nhiên, tôi lại không
có chìa khóa để vào nhà.
Tôi rút từ túi quần ra một bộ chìa khóa.
– Harry cho tôi một bộ từ lâu rồi, - tôi nói.
– Goldman, anh đúng là nhà ảo thuật! Nhưng làm ơn đừng vượt qua rào
chắn của cảnh sát nếu không sẽ rầy rà to.