Nguyễn Hiến Lê
Sử Trung Quốc
Chương III
Thống Nhất Trở Lại ( 580 - 906)
THỐNG NHẤT TRỞ LẠI (580-906)
A. NHÀ TÙY (581-618)
l. Văn đế (581-604)
Dương Kiên ép vua Bắc Chu nhường ngôi, lập nên nhà Tùy (tức Tùy Văn
đế) và 7 năm sau đã thống nhất được Trung Quốc một cách dễ dàng: ở Hoa
Bắc, người Hồ đã Hoa hóa nhiều rồi mà người Hoa cũng đã Hồ hóa một
phần, nên có vài nơi chống đối lẻ tẻ thì chỉ trong một vài năm ông đã dẹp
xong; còn Hoa Nam tuy tiến bộ về văn hóa mà suy nhược về võ bị, triều
đình lại không được lòng dân và giới đại điền chủ, lại thêm dân chúng vẫn
coi Dương Kiên là người Hoa, nên khi ông đem nửa triệu quân qua sông
Dương Tử thì cả miền Nam qui phục.
Nhưng nhà Tùy rất ngắn ngủi, chỉ có 2 đời vua, trước sau chỉ được 37 năm,
sau khi thống nhất về đất đai, chưa kịp tổ chức xong xã hội - kinh tế thì đã
sụp đổ vì cái tệ xa hoa, bạo ngược như nhà Tần và Trung Hoa lại phải trải
qua một thời loạn lạc sáu, bảy năm nữa; cho nên chỉ nên coi nhà Tùy là một
giao thời, và công của nhà Tùy chỉ là dọn dẹp, chuẩn bị cho thời thống nhất
thực sự ở đời Đường, cũng như nhà Tần đã chuẩn bị cho nhà Hán. Một sự
trùng hợp ngẫu nhiên sau 8 thế kỉ.
Văn đế không có tài nhưng siêng năng, dám làm. Ông đã Hồ hóa, là một
quân nhân nên rất trọng võ bị, hơi độc tài, không ưa đạo Khổng, vì thấy các
quan lại có Nho học thường không chịu để ông sai bảo như bọn tướng dưới
quyền ông. Ông lại sống khắc khổ như người Hồ, tới mức keo kiệt nữa, cho
rằng các nghi thức tế lễ của Khổng tốn tiền quá, và bắt quan lại phải sống
đạm bạc.
Nhưng nhờ chính sách kinh tế của ông mà nước thịnh lên.
Cứ sau một thời loạn lạc lâu dài, các ông vua sáng nghiệp đều dùng biện
pháp khuyến nông. Văn đế miễn nhiều thứ thuế cho dân nghèo, chia đất lại