như thời Bắc Tề: mỗi cặp vợ chồng được phát cho hai chục mẫu để làm, già
hoặc chết thì đất trở về triều đình, với 20 mẫu nữa làm của riêng. Năm nào
mất mùa thì miễn thuế. Ông lại lập những nghĩa sương, kho lúa để phát
chẩn cho dân nghèo. Ông bỏ đặc quyền muối.
Thương nghiệp cũng phát triển. Kinh đô Tràng An là nơi quốc tế mậu dịch.
Quảng Châu là nơi hải ngoại mậu dịch.
Giới quí tộc và đại địa chủ, quan lại ở Nam bất bình. Một số bị loại ra khỏi
chính quyền để tiết kiệm ngân sách, số còn lại phải giảm mức sống. Vả lại,
kinh đô bây giờ ở Tràng An, rất xa; Nam Kinh mất địa vị, chỉ là một thị
trấn thường, làm ăn không phát đạt bằng trước được. Giới sĩ tộc có dư lúa,
phải chở lên miền Bắc bán, phí tổn nặng, ít lời. Bọn bất mãn đó đứng vào
phe thứ tử của Văn đế là Quảng, cùng nhau âm mưu giết Văn đế và thái tử,
để lên ngôi, tức Dạng đế.
2. Dạng đế (605-617)
Tính tình ngược hẳn với cha. Cha cần kiệm bao nhiêu thì con xa xỉ vô độ
bấy nhiêu, lại rất bạo ngược.
Ông ta ghét kinh đô Tràng An, dời đô lại Lạc Dương. Bắt dân xây cất lại
kinh thành, có tháng dùng đến 2 triệu người, bắt cả vạn đại thương gia cung
cấp vật liệu, thực phẩm. Cung điện, vườn thượng uyển nối tiếp nhau, chu vi
tới mấy trăm dặm (mỗi dặm là nửa cây số)! Ông cho gom góp về đó tất cả
những cây cỏ, cầm thú lạ ở mọi nơi. Trong vườn thượng uyển có biển hồ
lớn nhân tạo, nước dẫn từ sông Lạc vào, giữa biển có ba đảo tiên: Phương
Trượng, Bồng Lai, Doanh Châu. Bờ biển cất 16 viện cực kì hoa lệ.
Xe chở gỗ quí từ miền xa lại để xây cất, nối tiếp nhau cả ngàn dặm. Cứ 10
người làm xâu thì chết tới 4 - 5 người.
Ngoài ra ông lại xây cất 40 li cung nữa.
Công trình kiến thiết quan trọng nhất trong đời ông là đào kinh Vận Hà.
Một hôm, ông ngỏ ý muốn tuần du phương Nam, một phần vì thích cảnh
thích người ở Giang Đô, một phần vì ông muốn xem dân tình nơi đó ra sao:
dân có thuần không hay mưu tính phản loạn; một viên cận thần tâu: muốn
đi thì phải từ Lạc Dương xuôi dòng Hoàng Hà tới biển rồi theo bờ biển
xuống sông Dương Tử mà mùa đó biển động; tốt hơn cả là đào một con