Voltaire, Goethe hết lời khen nó; hiện nay nó vẫn còn được phương Tây
nghiên cứu và trước sự phát triển của kĩ nghệ, đời sống hóa bận rộn, vô
nghĩa vì chỉ lo hưởng thụ người ta càng quí nhân sinh quan giản phác, tự
do, yêu thiên nhiên của Lão, Trang.
2. Văn học.
Kinh Thi
Từ đời Chu, người Trung Hoa đã đặt ra chức Thái sử quan để lượm thơ hay
trong dân gian mà biết về chính trị, phong tục và đời sống của dân tại mỗi
nước. Khổng Tử sắp đặt lại tất cả được 305 bài, vừa ca dao ở thôn quê, vừa
nhạc chương ở triều miếu, thành một bộ, sau gọi là Kinh Thi, để dạy môn
sinh. Những bài ấy làm trong đời Chu từ thế kỉ XII tới thế kỉ VI trước Tây
lịch; có thuyết cho rằng một số bài từ đời Thương.
Kinh Thi gồm ba phần: phong, nhã, tụng.
+ Phong tức quốc phong, là ca dao của dân gian các nước.
+ Nhã là những bài dùng trong những trường hợp quan trọng như khi thiên
tử họp các vua chư hầu, hoặc tế ở miếu đường.
+ Tụng gồm những bài ca khen các vua đời trước và dùng để hát ở miếu
đường trong lúc tế tự.
Hai loại sau do văn nhân (tức giới quí tộc) sáng tác còn loại quốc phong
của giới bình dân, mà lại có giá trị nhất về văn học.
Về hình thức, quốc phong là những bài thường dài từ mười đến vài chục
câu, mỗi câu bốn chữ, xen vào ít câu năm hay sáu chữ, thỉnh thoảng có vần,
nhiều chữ láy đi láy lại, du dương vì là bài ca.
Nội dung dồi dào, nhiều vẻ. Có bài tả công lao cha mẹ, giọng thiết tha, như
bài Lục Nga; có bài phát biểu tư tưởng xã hội như Phạt Đàn oán bọn “quân
tử” tức bọn trị dân, chẳng làm gì cả mà sống sung sướng nhờ mồ hôi nước
mắt của dân; có bài là lời than thở của người lính phải xa gia đình, đi tìm
cái chết không hiểu để làm gì, nhiều nhất mà cũng hay nhất là những bài
xuân tình, tả tình trai gái nhớ nhau như bài Quan Quan Thư Cưu; bài Tử
Khâm mà hai câu cuối bất hủ: Nhất nhật bất kiến, như tam nguyệt hề; lại có
bài thiếu nữ trách cha mẹ và anh nghiêm khắc, trách cả thiên hạ lắm lời