thay đổi kì dị: mới cười đó đã khóc, mới muốn đi xa rồi lại đổi ý, đòi lên
chầu Thượng Đế rồi lại muốn bói, muốn trở về cố hương, muốn tự tử. Thật
là chân tình, mỗi chữ là một tiếng thở dài, một giọt nước mắt, ít thấy văn
nhân nào đau khổ, thác loạn đến bực ấy.
Trong bài Thiên Vấn, giọng cũng lâm li cùng cực: ông hỏi trời luôn một hơi
172 câu. Sức tưởng tượng của ông thật vô địch.
Ngoài Khuất Nguyên, còn Tống Ngọc, có tài miêu tả văn điêu luyện.
Sở Từ mở đường cho thể phú đời Hán, Kinh Thi là nguồn gốc của thơ năm
chữ và bảy chữ các đời sau.
Văn xuôi
Ở Trung Hoa cũng như ở các nước khác, văn xuất hiện sau thơ. Những bài
thơ đầu tiên trong Kinh Thi xuất hiện vào khoảng thế kỉ XII trước Tây lịch
hoặc trước nữa, mà tác phẩm đầu tiên bằng văn xuôi, bộ Thượng Thư xuất
hiện vào khoảng thế kỉ VIII hoặc VII.
Tác phẩm sử học có trước tác phẩm triết học, nói cách khác là văn kí sự có
trước văn luận thuyết; về phương diện nghệ thuật thì những tác phẩm bất
hủ đầu tiên là những tác phẩm triết học.
Kí sự
Về sử học, dân tộc Trung Hoa tiến sớm nhất, có thể có sử quan từ đời
Thương, và chắc chắn là đời Chu, nước nào cũng có sử quan rồi; Ấn Độ
trái lại, triết học rất phát đạt mà không có một bộ sử nào cả. Các sử quan
của Trung Hoa có một truyền thống rất đẹp: chép đúng sự thực, dù là vua
hay tể tướng đương thời có những ngôn hành xấu xa thì cũng chép hết,
không sợ chết. Như thời Chiến Quốc, tể tướng nước Tề là Thôi Trữ giết
vua. Một quan thái sử chép: “Thôi Trữ giết vua”, bị Thôi đem chém. Em
người đó lãnh chức Thái sử thay anh, cũng chép như vậy, cũng bị chém.
Nước láng giềng có một người hay việc ấy, sợ sau khi hai anh em ấy bị
Thôi giết rồi, không còn ai dám chép sự thật nữa, bèn qua xin làm chức
Thái sử. Thôi thấy vậy, phải than và sợ những quan thái sử.
Một vụ khác, cũng thời Chiến Quốc, một sử quan nước Tấn là Đổng Hồ