chép: “Triệu Thuẫn giết vua”. Triệu Thuẫn là một đại phu có đức, cãi:
“Người khác giết vua trong lúc tôi xuất vong mà, sao ông ghép tội tôi”.
Đổng Hồ đáp: “Sao lúc về nước, ông không khảo tội thí quân của kẻ đó.
Như vậy là ông đồng mưu với kẻ giết vua, cũng như ông giết vua.”
Những trường hợp như vậy chắc chắn là hiếm, nhưng xét chung thì các sử
quan Trung Hoa đa số có đức, chức tuy nhỏ mà được trọng và các vua chúa
không xen vào công việc của họ. Đường Thái Tôn (thế kỉ VII sau Tây lịch)
một hôm hỏi viên sử quan: “Khanh chép cả những lỗi lầm của trẫm sao?”.
Đáp: “Cái tốt cái xấu của bệ hạ, hạ thần đều có bổn phận chép hết để làm
gương cho hậu thế”. Lại hỏi: “Khanh cho trẫm xem khanh chép những gì
về trẫm nào.”. Đáp: “Không có ông vua nào đòi xem như vậy.”
Một chức vụ nữa tuy cũng không lớn nhưng rất được trọng, chức gián
quan; một số gián quan dám can bạo chúa mà không sợ chết, làm vẻ vang
cho giới nho sĩ (coi các trang sau).
Đó là một nét văn minh của dân tộc Trung Hoa, một ảnh hưởng của Khổng
học.
Trong thời Xuân Thú, ngoài bộ Thượng Thư ra, có bộ Xuân Thu của
Khổng Tử. Ông dùng sử biên niên của nước Lỗ tu chính lại theo ý ông, chỉ
ghi những đại cương, lời rất khô khan, mục đích là chính danh, định phận,
ngụ ý bao biếm hơn là kí sự. Người tốt được ông khen, người xấu bị ông
chê, mà bị ông chê thì còn nhục hơn bị tội búa rìu nữa.
Bộ ấy được Tả Khâu Minh, đồng thời với Khổng Tử làm Thái sử ở Lỗ, phô
diễn, phê bình cho thêm rõ ràng, hứng thú, thành hai bộ sử khác: Tả Truyện
chép theo biên niên và Quốc Ngữ chép việc theo từng nước. Thuật miêu tả,
tự sự trong Tả Truyện đã cao rồi.
Cuối thời Chiến Quốc có thêm bộ Chiến Quốc sách, tựa như có tính cách
lịch sử (nhiều nhân vật có thực, biến cố cũng vậy, nhưng việc chép không
chắc đúng) mà sự thực thì có tính cách luân thuyết, đúng hơn là biện
thuyết. Bộ đó chép lại những kế hoạch, phương lược, chính sách của các
nhà cầm quyền và các chính khách trong thời Chiến Quốc. Chắc do nhiều
người viết vì giá trị nghệ thuật các bài không đều, người đời sau không lựa
chọn gì cả, thu thập hết rồi sắp đặt theo từng nước (như bộ Quốc Ngữ). Có